Cuộc chiến tại Ukraine khiến giá lương thực tăng cao kỷ lục ở nhiều nước trên thế giới
(DNTO) - Giá ngũ cốc và các sản phẩm khác tăng cao đe dọa tình trạng thiếu hụt đối với người nghèo và là bài toán gây đau đầu cho các nhà sản xuất lương thực - thực phẩm trên toàn thế giới.
Theo thông tin từ Liên Hợp Quốc, trong tháng 3 vừa qua, giá lương thực toàn cầu đạt mức cao kỷ lục do cuộc chiến ở Ukraine đe dọa tình trạng thiếu lương thực ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới và thách thức lạm phát sâu hơn đối với các nhà sản xuất lương thực – thực phẩm phương Tây.
Cuộc chiến Nga và Ukraine gây ra thảm hoạ nông nghiệp
Chiến tranh đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu lúa mì, dầu hướng dương và các sản phẩm khác của Ukraine, đồng thời ảnh hưởng đến xuất khẩu lương thực từ Nga, khiến một phần của thế giới ngày càng trở nên quan trọng đối với khu vực còn lại và sức ép về dân số toàn cầu ngày càng tăng.
Đi ngược với thị trường chung của thế giới, nguồn lương thực, thực phẩm của Việt Nam dồi dào nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, khó khăn trong xuất khẩu sang Trung Quốc và nhờ chính sách bình ổn giá của chính phủ.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê: “Quý 1/2022, giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,2% tác động khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm 0,26 điểm phần trăm".
Sự vắng mặt của sản phẩm từ khu vực căng thẳng cũng khiến hàng hóa được sản xuất ở nơi khác tăng cao khi các quốc gia và công ty tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế. Đặc biệt, giá ngũ cốc cao, đe dọa tác động trực tiếp đến giá thịt bò và các loại thịt khác do các nhà sản xuất phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc để làm thức ăn cho gia súc và gia cầm. Theo các nhà phân tích, chi phí cao hơn có nghĩa là một số công ty thực phẩm sẽ tiếp tục tăng giá và người tiêu dùng phải chi nhiều hơn cho những nhu yếu phẩm.
Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng Chỉ số giá lương thực - thước đo các mặt hàng lương thực được giao dịch phổ biến nhất - đã tăng 12,7% lên mức 159,3 điểm vào tháng trước, tăng từ mức cao trước đó là 141,4 vào tháng 2/2022. Chỉ số tháng 3 là cao nhất kể từ khi chỉ số này được phát triển vào năm 1990.
Phần lớn sự gia tăng là do giá ngũ cốc cao hơn. Chỉ số ngũ cốc của FAO tăng hơn 17% so với tháng trước, được thúc đẩy bởi sự không chắc chắn xung quanh việc xuất khẩu ngũ cốc từ Nga và Ukraine. FAO cho biết hai nước chiếm 30% lượng xuất khẩu lúa mì và 20% lượng ngô trên toàn cầu trong ba năm qua. Họ cũng là nhà sản xuất một tỷ lệ lớn dầu hướng dương, trứng và các sản phẩm nông nghiệp khác của thế giới. FAO cũng cho biết giá dầu thực vật tăng 23,2%, đường tăng 6,7% và thịt là hơn 4,8%.
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã đóng cửa các cảng ở Biển Đen, nơi trung chuyển nhiều sản phẩm được trồng trong khu vực trên khắp thế giới. Các chuyên gia lo ngại tác động của chiến tranh có thể còn kéo dài, vì cuộc giao tranh làm xáo trộn đất canh tác, phá hủy cơ sở hạ tầng, tước đoạt nhiên liệu và phân bón của nông dân, điều này có thể sẽ làm giảm năng suất cây trồng trong tương lai. Nhiều công nhân cũng đã rời bỏ đất nước hoặc tham gia chiến đấu.
Andrii Gogolov, người có trang trại ở một phần miền nam Ukraine hiện đang bị quân Nga chiếm đóng, cho biết hiện tại ông không thể xuất khẩu sản phẩm, bao gồm cả 500 tấn đậu nành mà ông đang có trong kho. Ông cũng cho biết có thể sẽ không trồng bất kỳ loại ngô nào trong mùa này vì hệ thống tưới tiêu địa phương bị hư hại. Ông nói: “Đây là một thảm họa đối với nông nghiệp Ukraine”.
Chính phủ Ukraine dự đoán sẽ có ít hơn 25% diện tích đất trồng trong mùa xuân này so với bình thường, mặc dù một số chuyên gia cho rằng dự báo đó là quá lạc quan. Các nhà phân tích cho biết, giá hàng hóa nông nghiệp cao hơn là một xu hướng thuận lợi cho các công ty nông nghiệp lớn như Bunge Ltd. và Archer Daniels Midland Co., những công ty mua và vận chuyển cây trồng.
Giá thực phẩm tăng từ Mỹ đến thế giới thứ ba
Hợp tác xã nông dân Hoa Kỳ CHS Inc., công ty có một doanh nghiệp kinh doanh ngũ cốc lớn, hôm thứ Tư cho biết họ đã quay trở lại có lãi. Giám đốc điều hành Jay Debertin cho biết: “Nhu cầu mạnh mẽ kết hợp với biến động thị trường toàn cầu đã góp phần làm tăng thu nhập”. Nhờ đó, cổ phiếu của ADM và Bunge lần lượt tăng khoảng 40% và 25% trong năm nay.
Tuy nhiên, đối với các nhà sản xuất thực phẩm dựa vào ngũ cốc và thịt làm nguyên liệu cho các sản phẩm thì giá bị đẩy cao hơn làm tăng thêm áp lực lạm phát hiện tại trong bối cảnh chi phí nhiên liệu và lao động tăng.
Công ty Conagra Brands Inc. cho biết hôm thứ Năm (7/4) rằng lạm phát gia tăng trong nguyên liệu và vận tải đang thúc đẩy công ty tăng giá một lần nữa.
Nhà sản xuất thực phẩm có trụ sở tại Chicago, chuyên sản xuất các bữa ăn đông lạnh Healthy Choice và thịt que Slim Jim, đã tăng giá các sản phẩm của mình trong năm qua, với lý do chi phí chuỗi cung ứng cao hơn phát sinh từ đại dịch Covid-19 và gần đây là vì xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, cho đến nay, Conagra cho biết những người mua sắm ở Mỹ không có vẻ bị nản lòng bởi giá sản phẩm cao hơn vì doanh số bán hàng của họ tại các siêu thị vẫn tăng mạnh.
Các công ty thịt từ Tyson Foods Inc., nhà chế biến thịt lớn nhất Hoa Kỳ theo doanh số, cho đến Hormel Foods Corp., nhà sản xuất Spam, cho đến nay cũng cho biết nhu cầu mạnh mẽ đã cho phép họ tăng giá.
Các nhà phân tích nói rằng giá lương thực cao rất có thể có tác động lớn đến các nước đang phát triển trên thế giới. Ai Cập và Indonesia là những nước mua lúa mì Ukraine lớn nhất, mỗi nước chiếm hơn 15% lượng lúa mì xuất khẩu của Ukraine, theo dữ liệu từ Trade Data Monitor.
Sự gia tăng gần đây diễn ra vào thời điểm lạm phát chi phí lương thực vốn đã cao, do sự gián đoạn liên quan đến đại dịch Covid-19 và thu hoạch kém ở Hoa Kỳ, Canada và các quốc gia khác.
Chính phủ Iraq đã giải phóng một số lượng lúa mì dự trữ chiến lược của mình trong bối cảnh công chúng phản đối và yêu cầu nới lỏng thuế đối với thực phẩm nhập khẩu.
Yasmin Faruki, cố vấn chính sách của tổ chức phi lợi nhuận Mercy Corps có trụ sở tại Washington, D.C., người gần đây đã đến thăm Yemen cho biết tác động của giá cả cao đang trở nên rõ ràng ở đây. Bà cho biết giá một bao bột 50 kg tăng 42% so với tháng trước, trong khi giá dầu ăn tăng 36% so với cùng kỳ.
Yemen là một trong 10 nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất từ Ukraine và Nga, mua khoảng 1,5 triệu tấn ngũ cốc từ hai quốc gia này mỗi năm, theo Mercy Corps.