Doanh nghiệp 'đứng ngồi không yên' vì sản lượng thực phẩm cuối năm tồn đọng lớn
(DNTO) - Dịp cuối năm thường là "thời điểm vàng" để tiêu thụ hàng hóa nông sản thực phẩm, song hiện nay, tình trạng hàng hóa tồn đọng "đỏ mắt" chờ sức mua do việc cung ứng khó khăn vì dịch bệnh bùng phát, khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương như "ngồi trên đống lửa".
Hàng trăm tấn nông sản đang tìm kênh phân phối
Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đang đến gần, nhu cầu mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm là rất lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lưu thông, cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng qua các kênh truyền thống gặp nhiều khó khăn, và càng khó khăn hơn khi hiện nay Trung Quốc ra nhiều quyết sách gay gắt về xuất khẩu khiến số lượng hàng hoá ùn ứ tồn đọng càng nhiều.
Cụ thể, tại Diễn đàn "Kết nối cung cầu nông sản thực phẩm dịp Tết Nguyên đán", ngày 25/12, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tỉnh Vĩnh Long cần kết nối tiêu thụ bưởi năm roi và bưởi da xanh khoảng 400 tấn; dưa hấu 8.000 tấn; dưa lưới 20 tấn; các loại rau củ quả hơn 3.000 tấn; hành lá 2.000 tấn; cá diêu hồng hơn 100 tấn. Vùng chuyên canh khoai lang hằng năm khoảng 14.000 ha, có thể cung cấp 400.000 tấn khoai thương phẩm…
Về phía tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Mấy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chia sẻ, hiện tỉnh đang tìm đầu ra cho một số sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Với nhóm sản phẩm trái cây, Tây Ninh hiện đang có 500 tấn mít Thái siêu sớm, 3.000 tấn chuối Nam Mỹ, gần 300 tấn mãng cầu na, 100 tấn dưa lưới, 80 tấn bưởi da xanh, 10 tấn na Hoàng hậu. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho biết, dự kiến tổng sản lượng hoa quả của tỉnh trong tháng cuối năm là 35.000 tấn, rau, củ, với sản lượng hiện hơn 3.000 tấn. Tham dự diễn đàn nhằm giới thiệu, quảng bá nông sản tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước và có thêm thông tin để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường. Đồng thời kêu gọi kêu gọi doanh nghiệp, kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp đến đầu tư vào Đồng Tháp.
Nêu trăn trở, bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, cho hay, tỉnh có 3.000 ha đất trồng thạch đen, sản lượng mỗi năm 16.000 tấn. Đây là mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc, song do dịch Covid-19, hiện mới xuất khẩu được 3.000 tấn. Một số mặt hàng khác như cây có múi, chủ lực là quýt Tràng Định, có khả năng cung cấp 1.000 tấn vào dịp Tết Nguyên đán.
“Tham dự diễn đàn hôm nay là bước khởi đầu cho nông dân tiêu biểu của tỉnh được giới thiệu, quảng bá nông sản làm bằng tâm huyết của mình tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hy vọng qua diễn đàn, chúng tôi sẽ có thêm thông tin để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường”, bà Thu nói.
Về phía doanh nghiệp, anh Hoàng Tích, chủ đầu tư trồng hành tím hữu cơ tại Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) cũng thông tin: Hành tím tại Vĩnh Châu đang vào vụ thu hoạch, chúng tôi rất cần được tiêu thụ với sản lượng dự kiến là 1.500 tấn. Trong vụ thu hoạch đầu năm 2021, nông dân ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) trồng hơn 5.000 ha hành tím, sản lượng hơn 100.000 tấn. Do ảnh hưởng dịch bệnh , thị trường tiêu thụ xuất khẩu, nội địa gặp khó khăn nên giá chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg khiến người nông dân thua lỗ.
Xúc tiến thương mại, tiêu thụ nội địa là "cứu cánh" trong thời điểm này
Với cương vị là người đứng đầu chuỗi siêu thị BRG Mart đã có mặt tại 7 tỉnh thành, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi cam kết sẽ cùng với các đơn vị sản xuất tiến hành liên hệ để có thể tiêu thụ nhiều nhất sản lượng trong dịp cuối năm này, đặc biệt là các loại nông sản đặc trưng của vùng miền để phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp tết nguyên đán. Mong nhận được thư chào hàng, giới thiệu của các nhà cung cấp, hợp tác xã, Trung tâm xúc tiến thương mại của các tỉnh”.
Cũng tại Diễn đàn, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty San Hà (Long An) cho biết: Hiện nay San Hà đã khẳng định được vị trí ở lĩnh vực cung cấp thịt gà với sản lượng tiêu thụ hàng trăm tấn mỗi ngày, hệ thống phân phối đã đến được 40 tỉnh thành.
"Chúng tôi đang mở rộng số lượng cửa hàng và mở rộng phân phối cả mặt hàng nông sản thực phẩm. Do đó trong thời gian tới chúng tôi sẵn sàng bao tiêu số lượng lớn các mặt hàng nông sản chế biến của các đơn vị doanh nghiệp", bà Hà thông tin.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Phan Thành Tuấn, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Đông Nam Việt (DONAVI) cho hay: Công ty hiện có hệ thống phân phối sản phẩm lớn vào các hệ thống siêu thị như Vinmart, Vinmart+, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Với năng lực và nhu cầu hiện tại, công ty sẵn sàng kết nối, hợp tác với tất cả các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ sản xuất… để nhận được nguồn cung đang thiếu.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) cũng thông báo đã xây dựng và phát triển trang web bán hàng online, miễn phí khởi tạo cho nông dân, để giúp các doanh nghiệp sản xuất, chế biến kinh doanh nông sản thực phẩm và nông dân tiêu thụ tại địa chỉ https://we-aft.com.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay, Trung tâm sẽ tổ chức “Điểm tiêu thụ nông sản an toàn” hoạt động thường xuyên tại số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội (Triển lãm nông nghiệp) và miễn phí cho các đơn vị tham gia đến hết tháng 2/2022. Điểm tiêu thụ nông sản là nơi giới thiệu, bán trực tiếp nông đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tới tay người tiêu dùng và kết nối tiêu thụ vào các kênh phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội.
"Việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, tiêu dùng nội địa trong thời điểm hiện nay là hết sức cấp thiết và có ý nghĩa chiến lược đối với sản xuất và đời sống của bà con nông dân. Đây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố giới thiệu về tiềm năng và năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của địa phương", ông Đào Văn Hồ nhấn mạnh.