Doanh nghiệp xuất khẩu gạo nỗ lực 'chen chân' vào phân khúc giá trị cao
(DNTO) - Nhiều năm gần đây, giá xuất khẩu gạo Việt luôn duy trì ở vị trí dẫn đầu, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho ngành hàng gạo đang rất rộng mở. Không bỏ lỡ đà tăng, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu, hướng tới các phân khúc thị trường béo bở hơn.
Giá lương thực toàn cầu tăng cao đã tác động đến mặt hàng lúa gạo. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, xuất khẩu gạo Việt 3 tháng đầu năm nay tăng trưởng mạnh đạt 1,48 triệu tấn, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng, và tăng 10,5% giá trị so cùng kỳ.
Trên thị trường thế giới, giá xuất khẩu gạo Việt luôn duy trì ở vị trí dẫn đầu, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho ngành hàng gạo đang rất rộng mở. Dự báo, nhu cầu dự trữ lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trước tình hình thị trường thuận lợi, cơ hội bứt phá lớn, hàng loạt doanh nghiệp đưa ra kết hoạch tăng trưởng khả quan năm nay. Các doanh nghiệp như Trung An, Lộc Trời, Tân Long...đang đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường phân khúc giá trị cao và ổn định.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Ngoài các thị trường truyền thống, doanh nghiệp vẫn đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU để tận dụng lợi thế từ EVFTA.
"Mặc dù số lượng gạo vào EU chưa nhiều nhưng giá bán vẫn duy trì ở mức cao, đạt khoảng 1.000 USD/tấn nên đây vẫn là khu vực thị trường giá trị cao và rất tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam khai thác", ông Bình cho hay.
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho biết, chỉ riêng 3 tháng đầu năm đã xuất khẩu được hơn 28.000 tấn gạo với doanh thu 321,2 tỷ đồng.
Lãnh đạo Angimex cho hay, dự báo thị trường thuận lợi, công ty đặt mục tiêu doanh thu từ ngành lương thực tăng gấp đôi (6.600 tỷ đồng), lợi nhuận tăng hơn 22%. Bên cạnh tập trung phát triển các thị trường xuất khẩu truyền thống, công ty sẽ nỗ lực "đánh" vào các phân khúc thị trường mới.
“Với sự đầu tư mạnh vào hệ thống máy móc và thiết bị, Angimex đang nâng năng lực sản xuất lên 700.000 – 1 triệu tấn gạo/năm, mục tiêu trở thành đơn vị xuất khẩu lớn nhất Việt Nam”, lãnh đạo công ty cho biết.
Ngoài Angimex, nhiều doanh nghiệp cũng đang khẩn trương đầu tư kho chứa, nhà máy hiện đại, liên kết với người dân các các địa phương xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao chuyên xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu.
Nhiều dư địa cho gạo chất lượng cao
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định, vụ lúa hè thu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào sản xuất ở mức cao cũng là rào cản với các doanh nghiệp xuất khẩu... Nhưng còn nhiều dư địa để tin tưởng xuất khẩu gạo năm 2022 vẫn đạt khoảng 6,4 triệu tấn.
"Gạo Việt Nam đạt giá trị cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đây là minh chứng việc thay đổi tư duy sản xuất, tập trung vào giống chất lượng cao, thơm, đặc sản để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính và hiện nay, cơ cấu giống lúa thơm, đặc sản đang chiếm hơn 85% diện tích...", ông Doanh dẫn chứng.
Để nâng tầm giá trị cho gạo Việt, Thứ trưởng Doanh cho hay, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”. Theo đó, Việt Nam định hướng tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững. Từ đó, hình thành và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng, giúp thích ứng với sự thay đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu gạo chất lượng cao của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh tốc độ xuất khẩu gạo trong những tháng tới, các chuyên gia cho rằng, ngoài bảo đảm chinh phục thế giới bằng chất lượng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải không ngừng nỗ lực đầu tư công nghệ trong khâu chế biến, đặc biệt, lưu ý đến các quy định mới về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của các quốc gia nhập khẩu.
Do đó, các đơn vị cần lưu ý nắm chắc và tuân thủ nghiêm túc các quy định của thị trường nhập khẩu, bảo đảm không bị thu hồi, cảnh báo vi phạm. Đối với các sản phẩm gạo cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về hoá chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, đóng gói, thực hiện đầy đủ việc truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng…