Doanh nghiệp xuất khẩu gạo 'đón sóng' phục hồi và kỳ vọng bứt phá năm 2022
(DNTO) - Dù “bóng ma” Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh lớn, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo kỳ vọng sẽ thích ứng tốt, thậm chí khởi sắc hơn trong năm 2022 khi cơ hội từ các thị trường xuất khẩu vẫn đang được mở ra, khôi phục dần.
Nhộn nhịp "chốt sổ" đơn hàng mới
Sau nhiều tháng "hụt hơi" vì Covid-19, quý IV/2021, xuất khẩu gạo Việt Nam nhanh chóng phục hồi khi các hoạt động được nới lỏng hơn. Mặt khác, hầu hết các thị trường thế giới cũng đều đã quay trở lại với nhu cầu khá lớn cho tiêu dùng dịp cuối năm sau một thời gian bị gián đoạn nguồn cung ở cả thị trường xuất và nhập khẩu.
Cụ thể, ngay trong những ngày cuối năm 2021, Công ty CP Pacific Foods đã xuất khẩu 20 tấn gạo thơm Sóc Trăng sang Canada. Đơn hàng này sẽ mở ra triển vọng xuất các lô hàng tiếp theo trong năm 2022 và 2023.
Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Pacific Foods cho hay, năm 2022 sẽ có rất nhiều cơ hội cho lúa gạo và các loại nông sản được sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn của Việt Nam được xuất sang thị trường nước ngoài, giúp tăng hiệu quả của kinh tế nông nghiệp.
“Mục tiêu chúng tôi đề ra trong năm 2022 là tăng trưởng gấp đôi năm 2021, trong đó nâng tỷ trọng xuất khẩu lên 60% tổng sản lượng sản xuất và đưa sản phẩm lên kệ tất cả các siêu thị bán lẻ trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như tìm kiếm thêm thị trường mới”, ông Linh chia sẻ.
Tương tự, cuối tháng 12/2021, với đơn hàng lên tới 4.170 tấn gạo gồm gạo thơm và gạo trắng đã được Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Với năng lực này, trong năm 2021, Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, vương quốc Anh, châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Tổng giá trị xuất khẩu gạo lên tới hơn 1.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 24 % doanh thu gạo của tập đoàn.
"Với đơn hàng cuối cùng hơn 4.000 tấn vừa xuất khẩu sang châu Âu trước thềm năm mới, chúng tôi tin rằng năm 2022 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho lúa gạo Việt Nam. Đây là kết quả chứng minh năng lực tổ chức sản xuất cho các đơn hàng lớn, đồng thời khả năng canh tác đưa ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính nhất của Tập đoàn Lộc trời", ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời nhận định.
Theo các chuyên gia, năm 2022 sẽ vẫn tiếp tục có lợi cho ngành lương thực, trong đó có gạo và giá gạo xuất khẩu có khả năng vẫn sẽ ổn định thậm chí tăng cao hơn năm trước. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang có xu hướng hồi phục trở lại, cùng với những ưu đãi từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP hay các hiệp định thương mại song phương sẽ tiếp tục trợ lực giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng.
Cụ thể, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU bị áp thuế 45% trong những năm trước. Thậm chí có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi vào năm nay khi EU dành cho Việt Nam ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm sau 5 năm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo tấm vào EU hàng năm...
Doanh nghiệp cần làm gì để khai thác tốt hơn các thị trường?
Trong thời gian qua, không thể phủ nhận sự tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp cũng như các hộ sản xuất lúa gạo trong công tác thông tin định hướng tình hình thị trường, trong công tác quy hoạch sản xuất, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp... đã tác động và tạo nên vị thế, giá trị gia tăng gạo của Việt Nam
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, cho hay, mặc dù xuất khẩu gạo năm 2022 được dự báo thuận lợi với giá cả rất tốt, song các doanh nghiệp cũng như người nông dân, cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện tốt văn bản hướng dẫn thực thi FTAs của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP...
Cùng với đó, phải chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong khâu sản xuất, chế biến của mình để phục vụ xuất khẩu; kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có gạo hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu...
"Các doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường; cần chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương...", ông Toản nhấn mạnh.