Giá gạo 'chạm đáy', doanh nghiệp đứt nguồn tiền, khó khăn chồng chất
(DNTO) - Sau chuỗi tăng vào đầu năm, giá gạo Việt trong thời gian gần đây liên tục "trượt không phanh", xuống còn 385 USD/tấn (loại 5% tấm), mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm trở lại đây. Nhiều doanh nghiệp cho biết, dù căng mình xoay sở vẫn không đáp ứng được "3 tại chỗ", đành ngậm ngùi đóng cửa.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 7 giữ ở mức 390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Bước sang tháng 8, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm, đặc biệt trong phiên ngày 19/8, gạo loại 5% đã giảm xuống 385 USD/tấn. So với cùng thời điểm này năm ngoái (với mức giá trung bình 485 USD/tấn), gạo xuất khẩu hiện tại thấp hơn gần 100 USD/tấn
Có thể thấy, việc không thể tiêu thụ lúa tươi tại ruộng dẫn đến giá lúa gạo nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm liên tục trong nhiều tuần qua. Cụ thể, giá bình quân lúa tươi loại thường tại ruộng từ ngày 1/5 là 6.200 đồng/kg, ngày 1/6 là 5.800 đồng/kg, ngày 1/7 là 5.200 đồng/kg và đến ngày 5/8 giảm xuống chỉ còn 4.700 đồng/kg.
Không chỉ gạo của Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này cũng đã giảm xuống mức thấp do nhu cầu thị trường yếu. Hiện, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ giao dịch ở mức 352 - 356 USD, giảm mạnh so với mức 383 USD/tấn hồi đầu tháng 7/2021.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 387 - 400 USD/tấn trong tuần này, từ 380 - 395 USD/tấn một tuần trước đây, nhưng vẫn là mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay của nước này.
Có thể thấy, giá gạo của Việt Nam đang ở mức thấp hơn Thái Lan và tiệm cận với gạo của Ấn Độ. Trong khi hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua, giá gạo Việt luôn cao hơn gần 100 USD so với gạo Ấn Độ.
Đối với các doanh nghiệp, do phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nhiều đơn vị không đáp ứng được do chi phí cao, dẫn tới ngừng sản xuất. Hàng loạt chi phí về phòng chống dịch, vận chuyển... phát sinh trong khi hàng không xuất khẩu được cũng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục bị “bào mòn”.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, việc trước mắt làm sao thu mua lúa cho nông dân xong vụ Hè Thu. Còn xuất khẩu gạo, doanh nghiệp xác định còn xa vời nên chấp nhận bỏ hoặc hoãn nhiều hợp đồng.
"Giá gạo giảm mạnh gây bất lợi cho ngành gạo Việt Nam kể cả hiện tại và tương lai. Hiện tại, phân bón và các vật tư có liên quan như xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật đều "leo thang". Ngoài ra, các vật tư khác như sắt thép, xi-măng... cũng tăng giá chóng mặt mà giá gạo lại giảm sâu thì khoảng 30 triệu người trồng lúa sẽ thiệt hại nặng” - “vua lúa gạo” Phạm Thái Bình nêu ý kiến.
Vì đâu nên nỗi?
Theo các thương nhân xuất khẩu, nguyên nhân khiến giá gạo giảm mạnh là do nhu cầu thấp, chi phí vận chuyển cao hơn, trong khi Covid-19 bùng phát, một số công ty, nhà máy rơi vào tình trạng ngừng sản xuất, đóng cửa tạm thời cũng làm hạn chế khả năng giao hàng của doanh nghiệp.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT của Intimex cho hay, từ ngày 16/8, Công ty CP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) đã tiếp nhận lại dịch vụ đóng rút gạo tại Bến 125 - Cảng Cát Lái với quy mô 2 băng chuyền, công suất 70 container/ngày. Tuy nhiên, với khối lượng cần giao lên tới 120.000 tấn trong tháng 8/2021, khả năng sẽ khó đáp ứng được.
Nêu ý kiến của mình, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho rằng, có 2 lý do đang khiến tình hình thị trường sản xuất và xuất khẩu gạo chững lại và giảm mạnh, đó là: Lượng hàng xuất đi quá chậm do doanh nghiêp trong nước chào giá cao, đối tác không mua. Gạo trắng 504 của Việt Nam hiện nay chào giá cao hơn cùng loại này của Thái Lan. Thái Lan do ảnh hưởng đợt bùng phát dịch Covid-19, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của họ giảm nhiều, trong đó có gạo. Vì thế nhiều khách hàng chuyển sang mua gạo của Thái thay thế.
Thứ 2 là tình hình dịch bệnh tại khu vực miền Nam diễn biến nặng, các hoạt động sản xuất với những tiêu chí “3 tại chỗ”, ai ở đâu ở yên đó… khiến thị trường lúa gạo đang trong mùa vụ nhưng yên ắng hẳn. Nhà máy xay xát đóng cửa, di chuyển mua lúa từ tỉnh này sang tỉnh khác quá khó khăn. Giả sử mua được lúa thì cũng khó để tìm được nhà máy xay lúa vào thời điểm này.
Ông Phạm Thái Bình cho rằng, giá xuất khẩu gạo có giảm do giá thế giới giảm, nhưng với gạo Việt Nam còn có yếu tố bị “ép”, vì họ biết Việt Nam đang vào mùa thu hoạch và sản xuất cũng đang đình trệ vì dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ông Bình thông tin, đối với các hợp đồng mới hầu như không doanh nghiệp nào dám ký vì diễn biến thị trường còn tùy thuộc vào dịch bệnh.
"Hiện hàng tồn kho của chúng tôi còn nhiều nên chỉ khi giải tỏa hết, doanh nghiệp mới tiếp tục ký mới. Đó là chưa kể chi phí vận chuyển hiện ở mức quá cao do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển cũng cản trở hoạt động xuất khẩu”, ông Bình chia sẻ.
Về tình hình xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, đến hết tháng 7/2021, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,6 triệu tấn, trị giá 1,937 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sụt giảm do tác động của dịch bệnh cũng như căng thẳng cước tàu biển kéo dài.
Cũng theo nhận định từ phía Cục Xuất nhập khẩu, tình trạng các thương nhân, doanh nghiệp e ngại ký kết hợp đồng mới sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành hàng này. Ngoài ra, về lâu dài, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia và các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ.