Xuất khẩu thủy sản có giữ được 'phong độ' trong nửa cuối năm?
(DNTO) - Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được "3 tại chỗ" lại tăng vọt, tạo áp lực lớn lên các công ty xuất khẩu thủy sản. Những thách thức này khiến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm trở nên chông chênh.
Nhiều rào cản "đe dọa" xuất khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trước kia, mọi chi phí nguyên vật liệu đã tăng, nay doanh nghiệp lại phải lo thêm chi phí ăn ở, sinh hoạt, phụ cấp cho người lao động ở lại làm việc “3 tại chỗ”. Trong khi công suất chế biến, lượng hàng mua - xuất đều giảm thì chi phí điện, bao bì, phí xét nghiệm cho công nhân, tài xế vận chuyển hàng, chi phí logistics, cước vận tải biển đều tăng từ 5 - 7 lần.
Bị ảnh hưởng từ Covid-19, nhiều nhà máy bao bì, dịch vụ, nguyên vật liệu phụ trợ buộc phải đóng cửa. Để tìm nguồn cung thay thế, các doanh nghiệp liên tục tìm các nhà cung cấp, tuy nhiên hầu hết đều đàm phán kéo dài thời gian giao hàng. Cước vận chuyển đường biển tăng phi mã, thiếu container, thời gian thanh toán và giao hàng của nhà nhập khẩu cũng lâu hơn do cảng quốc tế bị ách tắc.
Bên cạnh đó, nhiều công nhân lo ngại bị lây nhiễm nên không dám đi làm. Do đó, nhiều doanh nghiệp có đến 30%, thậm chí tới 50% số công nhân xin nghỉ việc khiến hoạt động sản xuất rơi vào tình trạng “nghỉ tết” sớm.
Việc triển khai áp dụng quy định phòng, chống dịch ở mỗi địa phương cũng khác nhau, khiến cả người nuôi trồng thủy sản và doanh nghiệp không tránh khỏi lúng túng. Hầu hết các nhà máy chế biến hiện đều phải giảm công suất còn 30 - 50% để thực hiện “3 tại chỗ” nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm.
Ngoài ra, vấn đề sống chung với "thẻ vàng" IUU cũng là trở ngại lớn, VASEP dự báo xuất khẩu tôm, cá ngừ, cá ba sa… trong 6 tháng cuối năm khó giữ phong độ như kỳ vọng.
Hệ lụy của điều này thấy rõ ở cú đảo chiều giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 7/2021. Nếu như nửa đầu tháng 7, xuất khẩu thủy sản vẫn giữ được mức tăng trưởng 16% thì bước sang nửa cuối tháng 7 giá trị xuất khẩu giảm tới 20% so với nửa đầu tháng và giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2020, ước tính thiệt hại 763 triệu USD.
Riêng ngành hàng cá tra sẽ bị tổn thất mạnh nhất vì hơn nửa số nhà máy cá tra bị ngừng hoạt động trong thời gian qua. Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu cá tra sẽ gặp nhiều lực kiểm từ thị trường EU và Trung Quốc. Bởi hoạt động kiểm tra chặt chẽ hơn liên quan đến Covid-19 của Trung Quốc đối với nhập khẩu thực phẩm đông lạnh sẽ làm trì hoãn xuất khẩu thủy sản.
Nhìn nhận về ngành thuỷ sản nửa cuối năm 2021, trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã nhận định chính sách giãn cách xã hội ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung thủy sản chế biến trong 6 tháng cuối năm do giảm sâu công suất hoạt động tại các nhà máy.
Do đó, VDSC dự báo các công ty thủy sản sẽ bắt đầu chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh kể từ tháng 8 trở đi. Báo cáo cũng chỉ ra lo ngại về sự sụt giảm có thể diễn ra tiếp tục vào quý 4/2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này dấy lên lo ngại nếu ngành thủy sản chậm phủ sóng vaccine thì nguy cơ có thể tuột mất nhiều thị trường xuất khẩu lớn hoặc tạo cơ hội cho các đối thủ gia tăng thị phần.
“Nhìn chung, nhu cầu đã dồi dào nhưng nguồn cung thủy sản trong nước chưa thể đáp ứng đủ do công suất hoạt động thấp, dẫn đến triển vọng xuất khẩu của ngành trong nửa cuối năm 2021 tương đối kém khả quan do các ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát" - VDSC nhấn mạnh.
Hướng đi nào cho xuất khẩu thuỷ sản?
Theo đánh giá của VASEP, dự kiến giá thủy sản phục hồi sau khi các địa phương kiểm soát tốt được dịch bệnh, việc xuất khẩu tôm của Việt Nam thường tăng mạnh từ giữa quý 3 và sang quý 4. Để duy trì được tốc độ và giá trị tăng trưởng xuất khẩu thủy sản những tháng tới, việc đảm bảo ổn định hoạt động nuôi trồng và chế biến là cấp thiết.
Với năng lực hiện có, các giải pháp được tính đến hiện nay là mở rộng “vùng xanh an toàn” để tăng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; tăng thêm các nhà máy sản xuất “3 tại chỗ”; tạo điều kiện thuận lợi trong thu hoạch, mua bán, vận chuyển tôm từ ao nuôi đến nhà máy nhanh hơn, mà vẫn đảm bảo quy định phòng, chống dịch...
Ở góc độ doanh nghiệp, VASEP cho rằng, để chống đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo cho xuất khẩu, bằng mọi cách, phải có vaccine cho doanh nghiệp. Không phải một loại vaccine mà phải cần đến hai loại.
Loại thứ nhất, đó là “vaccine” chính sách cho doanh nghiệp và cả người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đó là các gói hỗ trợ, giảm thuế, giảm đóng công đoàn phí, giảm tiền điện, hạ lãi suất cho vay… Loại vaccine này Chính phủ cũng đã có nhưng các địa phương, bộ, ngành cần triển khai khẩn cấp như tiêm vaccine phòng, chống Covid-19.
Còn loại vaccine thứ 2, do lượng vaccine còn hạn chế, nên cần ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng y tế chống dịch và lực lượng lao động sản xuất, kinh doanh, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp… trong đó đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương.
Nếu có vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, chúng ta sẽ vừa giữ được thị trường đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho nhiều lao động, bao gồm cả nông - ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở trong nước - nền tảng then chốt để vẽ những gam màu lạc quan cho bức tranh xuất khẩu nửa cuối năm.