Doanh nghiệp thuỷ sản chật vật 'gánh' phí
(DNTO) - Ngành thủy sản đang có sự "khởi sắc" sau một thời gian dài trồi sụt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, dịch Covid-19 kéo dài khiến dòng tiền chưa được tháo gỡ, nay doanh nghiệp lại đang phải "oằn mình" gồng gánh hàng loạt các chi phí mới phát sinh khiến khó khăn càng thêm chồng chất.
Chật vật trong quý đầu năm 2021
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), quý đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể bởi các chi phí sản xuất tăng và tình trạng thiếu tàu, thiếu container và cước phí vận tải tăng cao, đặc biệt là cước tàu đi Mỹ và EU.
Hoạt động logistics bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng nhập khẩu chính của Trung Quốc, cùng với việc thị trường này siết chặt kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đối với hàng thủy sản nhập khẩu, khiến ngành thủy sản càng thêm khó khăn.
Thị trường Trung Quốc có dấu hiệu cải thiện từ giữa tháng 3, giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 3 đạt hơn 735 triệu USD, tăng gần 17%, lũy kế 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,7 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi một quý đầu năm có kết quả kinh doanh ảm đạm.
Cụ thể, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) là nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu nhưng quý I/2021 ghi nhận lợi nhuận sau thuế 131,6 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ và bằng 18,8% kế hoạch cả năm. Năm nay, VHC đặt kế hoạch đạt lợi nhuận 700 tỷ đồng, giảm 2,6% so với năm ngoái.
Công ty cổ phần Camimex Group (CMX) có kết quả kinh doanh tệ hơn nhiều. Với mặt hàng chủ lực là tôm, doanh thu giảm trong khi chi phí đồng loạt tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế quý I/2021 của CMX giảm 46% so với cùng kỳ, xuống còn 8 tỷ đồng.
Đối với Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), quý I/2021, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm do nguyên liệu đầu vào và các chi phí khác đều tăng, trong khi giá tiêu thụ không tăng. Do đó, biên lợi nhuận gộp giảm còn 7,7% so với mức 9,9% của cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 30,9 tỷ đồng, giảm 23,3%.
Đánh giá chung về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuỷ sản trong quý đầu năm 2021, Tổng cục Thủy sản cho biết, dịch Covid-19 kéo dài khiến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu bị gián đoạn, những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển ngưng trệ, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời
Căng mình vì "gánh" nhiều loại phí
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), để 1 kg cá, tôm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) phải chịu gần 10 loại phí: Dịch vụ container (THC), mất cân đối container (CIC), vệ sinh container, sửa chữa container (đối với hàng đông lạnh)... Ngoài ra, chủ hàng còn phải đóng thêm các loại phí: làm thủ tục hoá đơn, lưu kho bãi, cầu đường, giao hàng lẻ theo container...
Bên cạnh phí vận chuyển kho bãi, chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu của DN cũng tăng. Chưa kể quy định và thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu đã khiến phần lớn lô hàng xuất khẩu phải chờ 7 đến 10 ngày, điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của DN.
Theo phản ánh của không ít DN, thực chất họ đang phải chịu lỗ, thậm chí lỗ nặng.
Điển hình như Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong tính đến hết quý 1/2021 lỗ hơn 1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 665 triệu đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của DN.
Tương tự, Công ty Cổ phần Thủy sản số 4, trong quý 1/2021 có doanh thu tăng hơn 38 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại lỗ gần 1,4 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng vừa thông báo lãi giảm liên tục. Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, sở dĩ lỗ là do chi phí DN đang phải gánh tăng chóng mặt. Trước đây, một ngày DN thu mua khoảng 400 tấn thủy sản để chế biến, nhưng khi có dịch Covid-19, lượng tiêu thụ biến động, các kho đông lạnh khan hiếm khiến chi phí tăng nên DN chỉ dám gom khoảng 200 tấn.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng lưu ý rằng, các DN thủy sản đang đối mặt với tình trạng “phí chồng phí”. Không kể đến phí mới phát sinh, các loại chi phí vốn tồn tại từ trước của ngành cũng đang ở mức cao. Chẳng hạn, chi phí thức ăn cho tôm hay tôm giống của Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất thế giới.
Gần đây nhất, vấn đề thu phí, lệ phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển được đặt ra khiến DN thuỷ sản càng lao đao.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, trong bối cảnh DN đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, các cảng biển thu thêm khoản phí dịch vụ sẽ khiến DN kiệt quệ, giảm. Đáng chú ý, suốt thời gian qua, cộng đồng DN liên tục phản đối việc TP. Hải Phòng áp dụng mức thu phí cảng biển gồm phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng … đối với các container hàng khi xuất, nhập khẩu vào đây.
Sự việc vẫn chưa đến hồi kết thì TP. HCM lại thông báo, từ ngày 1/7 sắp tới, các cảng biển trên địa bàn sẽ chính thức áp dụng hình thức thu phí tương tự như Hải Phòng. Theo đó, mức thấp nhất là 15.000 đồng/tấn và cao nhất là 4,4 triệu đồng/tấn, tùy theo chủng loại hàng hóa và container.
"Hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam đang tập trung tại các cảng biển của TP HCM. Nếu áp dụng quy định mới, ngành thủy sản dường như điêu đứng, rất khó để cân bằng sức chịu đựng của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp, nhiều doanh nghiệp còn chưa kịp phục hồi sau một thời gian dài đình trệ", ông Hoè nhận định.