Cần thực hiện đồng bộ 3 'trụ cột' để ngành thuỷ sản phát triển bền vững
(DNTO) - "Để ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, phải thực hiện đồng bộ cả 3 "trụ cột" gồm khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến, góp phần giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch để nâng chất lượng thủy sản, gia tăng giá trị" - Bộ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Phải thực hiện đồng bộ cả 3 "trụ cột"
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu thủy sản khai thác (chưa tính thủy sản nuôi trồng) năm 2020 của cả nước đạt 3,435 tỷ USD, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 (khai thác lẫn nuôi trồng) tổng kim ngạch đạt 3,27 tỷ USD, cụ thể: Tôm đạt 1,337 tỷ USD, cá tra 623,7 triệu USD, cá ngừ 292,5 triệu USD, mực và bạch tuộc 212,4 triệu USD, nhuyễn thể hai mảnh vỏ 48,8 triệu USD, nhuyễn thể khác 5,2 triệu USD, cua ghẹ 54,3 triệu USD, cá biển khác 697,9 triệu USD...
Tại hội nghị trực tuyến về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 10/6 ở Hà Nội, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh thời gian tới, ngành thuỷ sản phải thực hiện đồng bộ cả 3 "trụ cột" gồm khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến để đảm bảo bền vững giá trị gia tăng, xuất khẩu.
"Để ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục giảm khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng, tăng cường nuôi trồng thủy sản (nuôi biển), tập trung vào các khâu bảo quản, chế biến, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch để nâng chất lượng thủy sản và gia tăng giá trị" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nhấn mạnh đến khai thác hải sản một cách bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, nếu không làm tốt khâu bảo tồn thì sẽ không có nguồn lợi - "nền tảng" đảm bảo phát triển bền vững giá trị gia tăng và phục vụ xuất khẩu.
Cùng với đó, tập trung vào các khâu bảo quản, chế biến, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch để nâng chất lượng thủy sản và gia tăng giá trị.
Cũng theo Thứ trưởng Tiến, ngành thủy sản đang quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cùng đó, tập trung điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác; quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển cũng như quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ngoài ra, tập trung điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác, quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển cũng như quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá.
Để thủy sản thực sự là ngành kinh tế "mũi nhọn" của quốc gia
Hiện nay, nước ta có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác. Ngoài ra, có 3.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống phơi khô, làm mắm, đông lạnh, đồ hộp.
Các sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam đã có mặt tại hơn 176 thị trường trên thế giới với đầy đủ các chủng loại sản phẩm hết sức phong phú: Thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, đồ hộp, trong đó nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đáp ứng được những thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Điển hình, nhiều sản phẩm thủy sản Quảng Ninh đã xây dựng được thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường, như: Chả mực Hạ Long, ruốc hàu, mực ống Cô Tô, sá sùng Vân Đồn, cua Quảng Yên... Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực cũng từng bước được tăng cường, tổ chức bộ máy tinh gọn, cơ chế chính sách phát triển thuỷ sản ngày càng hoàn thiện, đời sống ngư dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế quá trình phát triển, kinh tế thủy sản vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập.
Trước thực trạng đó, để đạt mục tiêu đến 2030 và tầm nhìn 2045: Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, ngành nông nghiệp phải đặt ra nhiều mục tiêu trọng tâm.
Cụ thể, phát triển ngành Thủy sản theo hướng bền vững, đảm bảo thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, phương thức nuôi chuyển từ truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng.
Duy trì ổn định khai thác xa bờ có đầu tư trang thiết bị hiện đại, giảm nhanh số tàu ven bờ, tăng cường hiệu lực quản lý, bảo tồn, tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, hình thành hệ thống phân phối sản phẩm thủy sản trong và ngoài nước...
Về khai thác thủy sản, phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác, đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, cơ cấu lao động chuyên ngành, kiêm nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế - xã hội từng vùng.
Phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản phù hợp, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Về nuôi trồng thủy sản, chủ động phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng.
Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa…