Tham vọng để 800.000 doanh nghiệp Việt chuyển đổi số, nâng cao sức cạnh tranh
(DNTO) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp Việt cần nhận thức vai trò của đổi mới sáng tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng chương trình với tham vọng để 800.000 doanh nghiệp Việt áp dụng chuyển sổi số, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh dù doanh nghiệp lớn, nhỏ hay vừa.
Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 (Vietnam Venture Summit 2020), với chủ đề "Dịch chuyển số", do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hôm nay 25/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Năm 2019 là năm tăng trưởng mạnh mẽ của khởi nghiệp Việt Nam với các thương vụ đầu tư công nghệ lớn đạt giá trị hơn 800 triệu USD.
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đại dịch cũng làm bộc lộ ra những hạn chế của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đã lớn mạnh trên thế giới. Doanh nghiệp khởi nghiệp dường như có khả năng chống chịu ít hơn khi kinh tế trở nên bất ổn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc như: Ứng dụng họp trực tuyến, ứng dụng giảng dạy từ xa, các mô hình kinh doanh thương mại, giao vận trực tuyến… Đây chính là bức tranh phong phú và đa dạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Điều này đã tạo điều kiện để từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và cũng đạt được những thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong nước và được đánh giá rất cao bởi cộng đồng quốc tế.
Việc hoạch định chính sách chủ động, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ đã giúp Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng kinh tế tốt nhất thế giới giai đoạn hiện nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong nhóm các nước Đông Nam Á năm 2020.
Về dài hạn, Việt Nam quyết tâm thực hiện các chủ trương đổi mới, cải cách và phát triển, chủ động và tích cực cơ cấu lại nền kinh tế hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đổi mới sáng tạo là một động lực quan trọng, là chìa khóa của tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên gia tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Cho đến nay, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam đã mở rộng các mạng lưới thành phần tại các nước Đức, Nhật Bản, Australia và tiếp tục thành lập tại Mỹ, Canada với hàng nghìn thành viên nhằm quy tụ những người Việt Nam xuất sắc để sẵn sàng tham gia các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng tại Việt Nam.
Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh: "Về dài hạn, Việt Nam quyết tâm thực hiện các chủ trương đổi mới, cải cách và phát triển, chủ động và tích cực cơ cấu lại nền kinh tế hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đổi mới, sáng tạo là một động lực quan trọng, là chìa khóa của tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững".
“Với tầm nhìn và sự quyết liệt của Chính phủ, chúng ta tin tưởng rằng đây là giai đoạn bản lề của Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là thời điểm Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững, có thể thực sự “bắt kịp, đi cùng, vượt lên” về đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19”, Bộ trưởng Dũng nói.