Chủ tịch VCCI: Khơi thông thị trường, cải cách thể chế giúp doanh nghiệp phát triển
(DNTO) - Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ không cần tiền, cái họ cần là thể chế. Cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng tài khoá, tín dụng, thì những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế là động lực lớn nhất giúp doanh nghiệp phát triển.
Giữ vững thế chân kiêng của nền kinh tế Việt Nam
Tại Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế, diễn ra chiều nay 24/11, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, chúng ta đã trải qua 3/4 của năm 2020 đầy giông bão do đại dịch Covid-19 gây ra. Nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng rất nặng nề, các tổ chức quốc tế có uy tín đều đồng loạt hạ mức tăng trưởng dự báo và bức tranh kinh tế thế giới đã ngày càng trở nên bi quan hơn.
Tuy vậy, Báo cáo cập nhật triển vọng và phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19, và dự kiến sẽ tăng 6,3% trong năm 2021. Ông Lộc cho biết, đối với mục tiêu kinh tế, chúng ta đạt cả 3 yêu cầu ổn định, tăng trưởng và kết nối.
Chủ tịch VCCI so sánh: “Trong bối cảnh đen tối của nền kinh tế toàn cầu thì "bếp lửa" của nền kinh tế Việt Nam vẫn sáng đèn”. Cụ thể, ba chân kiềng của nền kinh tế vẫn giữ vững. Ba chân kiềng đó gồm: đổi mới thể chế mạnh mẽ; hội nhập vẫn đang thúc đẩy và chuyển đổi số đang được thực thi mạnh mẽ. Đây là ba chân kiềng trong bếp lửa của nền kinh tế Việt Nam”.
Nhận định rằng những biện pháp đã được triển khai kịp thời và bao phủ, nhưng quan trọng hết, theo ông Lộc vẫn là khả năng chống chịu của người dân và doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, hiện đất nước chưa qua khỏi những khó khăn, doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi, hàng triệu lao động chưa có việc làm, phục hồi doanh nghiệp đang trở thành mệnh lệnh. Song song với triển khai gói hỗ trợ lần 1, thì gói hỗ trợ thứ 2 cần tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Những lĩnh vực mà nếu vượt khó khăn trước mắt sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng như hàng không, du lịch. Đây là các biện pháp hỗ trợ có chọn lọc, tập trung vào các doanh nghiệp có tiềm năng tạo sự phục hồi, động lực phát triển của nền kinh tế sau đại dịch”, Chủ tịch VCCI nói.
Cũng theo ông Lộc, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tâm sự rằng: Doanh nghiệp không cần tiền, mà chỉ cần thể chế, cơ chế. Cùng với việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng tài khoá, tín dụng… luôn là hữu hạn, thì những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục… luôn là vô hạn và là động lực lớn nhất cho sự phát triển doanh nghiệp.
“Xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tại ASEAN chưa được thay đổi nhiều, cho thấy chúng ta có nhiều dư địa. Tôi tin rằng việc dỡ bỏ rào cản, nâng cao sự cạnh tranh của môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực xã hội sẽ là nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển. Đây chính là động lực cho phát triển. Đây chính là gói giải pháp quan trọng nhất", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TS. Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định ngay trong những ngày tháng Covid-19 khó khăn này, chúng ta vẫn ký kết RCEP. “Những nỗ lực hội nhập trong khu vực được xem là rộng lớn nhất trên thế giới. Có thể khẳng định, thúc đẩy hội nhập chính là động lực cho tăng trưởng của Việt Nam”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Chuyển đổi số, điểm tựa quan trọng cho bước phát triển của kinh tế Việt Nam
Đánh giá về xu hướng và hướng đi mới sau đại dịch Covid-19, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, có 6 vấn đề cần lưu ý gồm: Tác động không đồng đều của đại dịch; những cơ hội mới từ các nền tảng số; cơ hội từ phát triển hạ tầng năng lượng, cơ hội đầu tư vào ngành chăm sóc sức khoẻ, cơ hội từ xu hướng sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội từ sản xuất hàng xuất khẩu tận dụng EVFTA và RCEP.
Chính vì vậy, kinh tế Internet là một điểm sáng trong bức tranh đại dịch tối tăm mà Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng 5% trong khu vực ASEAN. Trong đó, có một loạt nhóm hàng tăng trưởng mạnh liên quan đến thương mại điện tử như may mặc, hàng điện tử và thực phẩm. Những mảng như cho vay hay dịch vụ giáo dục, giải trí, nội dung số cũng tăng mạnh.
Xét về quy mô nền kinh tế internet, Việt Nam đang được đánh giá ở mức 14 tỷ USD, ngang ngửa Thái Lan và chỉ xếp sau Indonesia. Nhìn sâu vào bức tranh này sẽ thấy, lượng khách hàng tăng đột biến từ 30-50%, đây là con số mà các ngành kinh doanh mơ ước.
Trong tương lai, nếu đại dịch vẫn còn tiếp tục, giao dịch internet sẽ còn tăng“nóng” với các nhóm ngành tiêu biểu như gọi xe điện tử, giao nhận thức ăn, tài chính ngân hàng.
Riêng dịch vụ tài chính số, Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực, cụ thể là ứng dụng internet trong ngân hàng. Dự báo trong tương lai gần, các nhóm ngành mà đầu tư nước ngoài sẽ đổ tiền vào gồm lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và một số dịch vụ khác như phát triển hạ tầng, năng lượng, đòi hỏi nguồn đầu tư lớn.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, phía trước, rủi ro, bất định còn nhiều. Năm 2021, kinh tế thế giới được dự báo có mức tăng trưởng khá cao, có thể trên 5%, song thách thức và khó khăn vẫn rất lớn.
“Hiện Việt Nam cũng phải gồng mình chống dịch, chấp nhận “cách ly địa giới” và “giãn cách xã hội” ở những thời điểm dịch bùng phát. Kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,81% nửa đầu năm 2020, mức thấp nhất trong suốt tiến trình đổi mới. Do dịch bùng phát trở lại cuối tháng 7 và tháng 8, tăng trưởng dự báo có thể chỉ đạt 2%-3% cho cả năm 2020”, ông Thành nhấn mạnh.
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, ông Thành cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, gần 31 triệu lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực; con số đó trong tháng 8 là khoảng 5 triệu. Dịch Covid-19 tác động xấu tới gần như tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế như du lịch, lưu trú ăn uống, giải trí, vận tải, logistics, phân phối, công nghiệp chế tác, công nghiệp khai khoáng, và cả nông nghiệp.
Theo ông Thành, đây là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng càng khó khăn, càng phải cầm cự, duy trì “năng lượng” để khi cơn bão dịch đi qua, chúng ta có thể lại vươn lên mạnh mẽ.
Để Việt Nam bước qua khó khăn, ông Thành nhấn mạnh, doanh nghiệp cần 8 nỗ lực. Thứ nhất, tìm kiếm cơ hội kinh doanh gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế, nhất là với các FTAs (như AEC; CPTPP; EVFTA,…) mà Việt Nam tham gia.
Thứ hai, tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất toàn cầu dựa trên kết nối, lựa chọn đối tác hiệu quả và “cùng thắng”.
Thứ ba, chuyển động cùng cách mạng công nghiệp 4.0 và nhất là chuyển đổi số. Thứ tư, học hỏi và biết cách huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp, tinh xảo.
Thứ năm, đối thoại và ứng xử theo luật, đảm bảo hợp đồng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, người lao động. Thứ sáu, xây dựng thương hiệu và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhân văn.
Thứ bảy, “đối thoại”, đồng hành với Chính phủ, các bộ ngành, góp phần hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh. Và cuối cùng là học và vận dụng tốt cách thức quản trị bất định và rủi ro.
"Tôi tin rằng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, sự sáng tạo, đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua được giai đoạn rất khó khăn hiện nay và vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời hậu dịch”, ông Thành nhấn mạnh.