Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ì ạch và nhiều lỗ hổng
(DNTO) - Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 1,5 tháng nữa là hết thời gian, nhưng khối lượng công việc đến nay mới chỉ đạt 28% kế hoạch. Nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa ì ạch là do các doanh nghiệp cần thời gian để kiểm kê tài sản, đặc biệt là các hồ sơ pháp lý đất đai.
Đất đai vẫn là vướng mắc lớn nhất
Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp Nhà nước và vai trò của Kiểm toán nhà nước”, tổ chức ngày 24/11, ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, từ năm 2016 đến nay, đã có 177 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443.500 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là trên 207.100 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, tính đến hết tháng 7/2020, chỉ mới tiến hành cổ phần hóa được 37/128 doanh nghiệp, bằng 28% kế hoạch đặt ra. Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch trong năm 2020 là 91.
Có nhiều vướng mắc và khó khăn trong việc thực hiện cổ phần hóa, như việc phê duyệt phương án sử dụng đất, kiểm toán giá trị doanh nghiệp. Trong khi các quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn, khiến các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình cổ phần hóa.
Cũng theo ông Tiên, kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất...
Chỉ ra những nguyên nhân gây ra việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng, thời điểm này có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn cổ phần hóa, mà những đơn vị này tình hình tài chính phức tạp, có tập đoàn có hàng nghìn miếng đất, do không xác định được giá trị nên gây ra tình trạng chậm thoái vốn.
“Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Mobifone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Đây là những tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Thứ nữa, nhiều quy định ngày càng chặt chẽ cũng là nguyên nhân chậm”, ông Long thẳng thắn chỉ ra.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế vũ Đình Ánh cho biết: Năm 2016 chúng ta có kế hoạch 5 năm về cổ phần hóa khá rõ ràng. Tuy nhiên cho đến thời điểm này chúng ta không thực hiện được, không thể cổ phần hóa và thoái vốn đúng tiến độ.
“Có rất nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân thứ nhất là về đất đai, hiện nhiều việc cổ phần hóa chỉ nhằm vào đất đai. Hiện nhiều doanh nghiệp Nhà nước có những quỹ đất rất lớn, lại có quá trình lịch sử. Chúng ta chưa tạo ra cơ chế làm thế nào để công khai, minh bạch, xác định quỹ đất của các doanh nghiệp nằm ở đâu, bao nhiêu mét. Đây là điều mà kiểm toán Nhà nước phải làm mới bóc tách được”, ông Ánh nói.
Ông Ánh cũng cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm soát sau cổ phần hóa và phát hiện nhiều trường hợp bán tài sản gắn liền với đất, đất này thuê hàng năm nhưng không thông qua đấu giá.
“Có thực tế là người ta cổ phần hóa chỉ vì đất, do đó vô hình trung mục tiêu cổ phần hóa không đạt được. Và khi Kiểm toán Nhà nước đã phát sinh hàng loạt vấn đề, trong đó buông lỏng quản lý, quản lý không hiệu quả”, ông Ánh nói.
Giải pháp chống thất thoát đất công trong và sau cổ phần hóa
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng công tác cơ cấu lại, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước và những ảnh hưởng của tình trạng cổ phần hóa chậm, xác định không đúng giá trị doanh nghiệp nhà nước dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm, suy giảm lòng tin, gây thất thoát lãng phí, giảm năng lực phát triển doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội của quốc gia.
Đồng thời, chỉ ra các điểm bất cập trong cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý hiện nay liên quan đến quá trình cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước trước cổ phần hóa liên quan đến quyền sử dụng đất, các ước tính kế toán, lợi thế thương mại, giá trị thương hiệu...
Tập trung làm rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong công tác kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp Nhà nước trước cổ phần hóa, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia.
Để tránh thất thoát đất công sau cổ phần hóa, tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, phải có phương án sử dụng đất sau khi chuyển đổi; công ty cổ phần không còn nhu cầu sử dụng đất vào mục đích khi chuyển đổi thì xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai. Giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giám sát việc sử dụng đất sau chuyển đổi của đơn vị sự nghiệp công lập. Có như vậy thì mới tránh được nguy cơ thất thoát đất công sau cổ phần hóa.
Nêu giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa trong thời gian tới, bà Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ cải cách tư pháp, Ban Nội chính trung ương cho rằng, phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhà đầu tư tiếp cận, đầy đủ thông tin và tham gia giám sát doanh nghiệp Nhà nước.
Thứ hai, cần xây dựng và thực hiện các hệ thống quản trị, quản lý rủi ro, hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Hoàn thiện hệ thống giám sát, tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp Nhà nước và người đại diện chủ sở hữu, người đại diện phần vốn của Nhà nước.
Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp…