Doanh nghiệp khó "lớn" nếu chỉ chăm chăm "cõng hàng" sang Trung Quốc
(DNTO) - Việc xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc thông qua hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới không phải phương án xuất khẩu bền vững của doanh nghiệp, vì hàng hóa khó kiểm soát chất lượng.
Không có khái niệm xuất khẩu tiểu ngạch
Ông Tô Ngọc Sơn Phó vụ trưởng Vụ châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, hiện cách gọi xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch chỉ là cách gọi nôm na để phân biệt hai hình thức xuất khẩu. Ở Việt Nam, các văn bản pháp luật không có khái niệm xuất khẩu tiểu ngạch. Tất cả hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc đều được khai báo và đưa vào hệ thống thống kê hải quan đầy đủ.
Theo ông Sơn, cách gọi xuất khẩu tiểu ngạch thực chất là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Ở bất cứ quốc gia nào chung đường biên giới đều có chính sách an sinh xã hội, cho phép người dân của nước họ có thể sang nước láng giềng mua một lượng hàng hóa nhất định, được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT), với Việt Nam và Trung Quốc cũng vậy.
Ông Sơn cho biết, Việt Nam hiện chỉ cho phép cư dân biên giới mua hàng hóa của nước láng giềng với mức 2.000.000 đồng/người/ngày/lượt và không quá 4 lượt/tháng. Tuy nhiên, Trung Quốc cho phép cư dân biên giới sang nước láng giềng mua hàng hóa với mức mua 8.000 NDT/người/ngày (khoảng 1.200 USD Mỹ).
Vì quy định này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng để nhập hàng hóa về. Bởi nếu họ nhập theo đường chính ngạch, dù các mặt hàng nông sản, thủy sản sẽ được hưởng mức thuế 0% theo khuôn khổ Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), nhưng sẽ phải chịu mức thuế giá trị gia tăng, tùy theo loại hàng hóa dao động từ 10-16%.
“Do vậy, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thường tận dụng chính sách trao đổi cư dân biên giới để xé lẻ các lô hàng nhằm miễn thuế. Điều này dẫn đến việc, thay vì doanh nghiệp Việt xuất khẩu qua những cửa khẩu chính thức như Móng Cái, Hữu Nghị… lại chọn điểm chợ rất khó khăn để giao hàng, ở đó được phép áp dụng trao đổi cư dân biên giới, gọi nôm na là xuất khẩu tiểu ngạch”, ông Sơn cho biết.
Phải đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Cũng theo ông Tô Ngọc Sơn, thời gian qua, trao đổi cư dân biên giới chỉ là chính sách an sinh xã hội, không thể thay thế cho xuất nhập khẩu chính ngạch. Nếu quy mô thương mại biên giới vượt qua mức độ xuất nhập khẩu chính ngạch sẽ rất nguy hiểm, bởi ở đó hàng hóa khó kiểm soát chất lượng.
Thời gian qua, Bộ Công Tthương phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thúc đẩy câu chuyện xuất khẩu chính ngạch; đồng thời nỗ lực tuyên truyền đến các hiệp hội doanh nghiệp để thay đổi quan điểm thị trường.
“Nếu vẫn giữ thói quen trao đổi hàng qua biên giới, mãi đi theo ‘cửa nhỏ’ doanh nghiệp khó phát triển quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, trình độ sản xuất và khả năng quản lý chất lượng”, ông Sơn cho biết.
Đại diện Vụ châu Á – châu Phi cũng cho hay, hiện Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính mà đã có thêm nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn. Thêm vào đó, xuất khẩu chính ngạch Việt Nam sang các nước khác vẫn là những mặt hàng thông thường như nông sản, thủy sản và ở nhiều nước, để xuất khẩu mặt hàng này, Việt Nam phải đàm phán để thông qua hàng rào kiểm dịch động thực vật.
Vì vậy, dù các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết với một số nước khác đã đưa thuế quan về 0% nhưng nếu hàng Việt không vượt qua hàng rào kĩ thuật cũng không được xuất khẩu chính thức.
“Chúng tôi đã gửi phía Trung Quốc một loạt các mặt hàng Việt Nam có ưu thế sản xuất và Trung Quốc có nhu cầu như một số loại hoa quả, trái cây, sầu riêng, tổ yến… Thời gian tới chúng tôi thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn từng thị trường, không chỉ thị trường Trung Quốc mà cả Hàn Quốc, Nhật Bản cũng vậy, để làm sao đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường đó. Đó mới là con đường lâu dài, bền vững của xuất khẩu”, ông Tô Ngọc Sơn cho hay.
Tại Việt Nam, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Theo đó, cư dân biên giới là công dân Việt Nam và công dân nước có chung biên giới có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới; người có giấy phép của cơ quan công an tỉnh biên giới cho cư trú ở khu vực biên giới khi mua bán, trao đổi hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (nếu có) với giá trị không quá 2.000.000 đồng/người/ngày/lượt và không quá 4 lượt/tháng. Phần giá trị hàng hóa vượt định mức quy định trên phải chịu thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.
Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới được quy định tại Thông tư số: 02/2018/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành.