Loạn số nhà, doanh nghiệp khó chọn địa chỉ kinh doanh
(DNTO) - Số nhà thay đổi lộn xộn, lên, xuống không theo quy tắc. Số nhà cũ tồn tại song song với số nhà mới… rất khó khăn khi tìm địa chỉ cũng như việc kinh doanh. Đó là tình trạng của nhiều tuyến đường hiện nay tại TP.HCM.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt con đường lớn ở TP.HCM là những nơi kinh doanh tấp nập, thu hút người dân tìm đến mua sắm, nhưng việc tìm kiếm địa chỉ trên những con đường này làm nhiều người “toát mồ hôi”. Các doanh nghiệp khá è dè khi lựa chọn đặt địa chỉ doanh nghiệp tại đây. Thậm chí, có những doanh nghiệp bị “nhắc nhở” vì địa chỉ khá mơ hồ và khó tìm khi tìm bằng ứng dụng bản đồ và tìm theo cách truyền thống.
Đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) là nơi sầm uất, từ lâu luôn nhộn nhịp với các cửa hàng kinh doanh ăn uống, khách sạn, khu vui chơi,… Thế nhưng, cùng một phía đường ở đây lại có cả số chẵn và số lẻ, có đoạn liên tục nhảy số từ lớn thành số nhỏ, có nhà còn tồn tại số cũ song song với số mới.
Theo một chủ khách sạn trên đường này, địa chỉ khách sạn có 3 số nhà, vừa cũ, vừa mới, khách thuê hay phàn nàn về vấn đề này. Khách hàng tìm trên bản đồ cũng loạn lên vì chỉ cần nhìn lướt và không kỹ là có thể tìm nhiều vòng, mất nhiều thời gian.
Tương tự, theo một chủ quán ăn cũng trên đường này: "Khách tìm đến quán là do nhiều người giới thiệu, nhưng họ hay "ý kiến" về địa chỉ khó tìm, phải chạy 2 3 vòng mới tìm ra. Họ kêu đổi địa chỉ như nhà người ta, nhưng do thuê bán muốn đổi cũng khó."
Theo anh Nguyễn Hoàng Phúc, hiện là chủ một quán cà phê tại quận Gò Vấp, trước đây anh có dự định thuê nhà tại con đường này để kinh doanh cà phê. Nhưng do việc đặt địa chỉ định vị Google rất khó và số nhà lại nhảy từ lớn xuống nhỏ, rất khó cho bạn bè, khách hàng tìm kiếm.
Đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), địa chỉ một ngôi nhà nằm trên trục đường chính, thế nhưng, lại có xuyệc “bất thường” và một loạt những dãy nhà cạnh đó đều trong tình trạng tương tự. Nhiều người làm giao hàng nhanh cũng phải "bó tay" khi tìm những địa chỉ "ngang xương" như thế này.
Anh Lê Thiên Phúc (quận Gò Vấp) cho biết, anh chạy xe ôm công nghệ khá lâu, nhiều trường hợp đón trả khách làm anh dở khóc, dở cười. Địa điểm rước thì một nơi và địa chỉ ở một nẻo, chưa kể cũng trên một đoạn đường, địa chỉ nhà cần tìm lại bị khuất sâu vào một hẻm nhỏ.
Đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) là con đường đang dần phát triển với nhiều cửa hàng, công ty đầu lựa chọn làm nơi đặt trụ sở. Thế nhưng, vấn đề nhức nhối về sự đồng nhất số nhà cũng làm nhiều chủ đầu tư ngần ngại.
Chị Cao Mỹ Vy (quận Thủ Đức) chia sẻ, là người cực kỳ thích mua sắm, hay tìm những cửa hàng để lựa chọ sản phẩm cho mình, cũng do đến tận nơi chị có thể lựa chọn kích cỡ hay món hàng thích nhất nên việc tìm định vị các cửa hàng cũng đôi khi khiến chị “đau đầu”. Có nhiều địa chỉ được cập nhật tại các trang fanpage Facebook, website,… nhưng khi đi theo đại chỉ vẫn không thể hoặc phải mất nhiều thời gian để tìm ra địa chỉ chính xác.
Cũng theo ghi nhận, việc loạn số nhà như vầy là do người dân vẫn chưa chịu đổi số mới theo quy định của nhà nước, một phần việc đổi số nhà phải làm thủ tục rườm rà. Bên cạnh đó, người dân đã quen với số cũ khi người quen tìm kiếm, một phần nhỏ nhiều người còn tin vào chuyện tâm linh trong làm ăn, kinh doanh.
Việc đánh số nhà thường có quy tắc nhất định, phổ biến nhất là một bên đường (phố) sẽ đánh số chẵn, bên còn lại đánh số lẻ, những ngôi nhà nằm cạnh nhau phải mang số chẵn hoặc lẻ liên tiếp nhau.
Tinh trạng số nhà "nhảy múa" đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm từ nhiều yếu tố. Vấn đề này, không chỉ làm mất tính quy chuẩn, mỹ quan đô thị, mà còn gây nhiều phiền toái cho người dân.
TP.HCM triển khai đánh số nhà mới
Theo Quy chế đánh số và gắn biển số nhà UBND TP.HCM ban hành, các khu dân cư mới xây dựng, khu dân cư hiện hữu nhưng số nhà không trật tự, nhà trên các tuyến đường mới đặt tên, đổi tên đường sẽ được đánh số mới. Các khu dân cư hiện hữu có trật tự số nhà ổn định thì không phải sắp xếp lại. Lệ phí cấp mới 30.000 đồng/số nhà; cấp lại 20.000 đồng/số nhà.
Chiều đánh số nhà khu vực nội thành cũ (bên phải sông Sài Gòn) và các vùng đô thị hóa ở phía tây và phía bắc TP (gồm các quận, huyện: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi) có chiều tăng số nhà là Đông - Tây, Nam - Bắc; gốc chuẩn là sông Sài Gòn, kênh Đôi, kênh Tẻ. Khu đô thị bên trái sông Sài Gòn (gồm các quận: 2, 9 và Thủ Đức), chiều tăng là tây - đông, nam - bắc; gốc chuẩn là sông Sài Gòn và một phần sông Đồng Nai. Khu đô thị hướng về Nhà Bè (quận 7, một phần quận 8, huyện Bình Chánh và huyện Cần Giờ), chiều tăng là Đông - Tây, Bắc - Nam; gốc chuẩn là sông Sài Gòn, kênh Đôi, kênh Tẻ. Riêng đối với địa bàn quận 8 bổ sung thêm gốc chuẩn là rạch Nhảy để phù hợp với thực tiễn số nhà khu vực này.