Lãnh đạo doanh nghiệp trong khủng hoảng: Đừng lo ‘chạy số’ mà quên mất con người
(DNTO) - Theo các chuyên gia, trong thời kì doanh nghiệp gặp khủng hoảng, lãnh đạo doanh nghiệp cần tạo niềm tin và gắn kết nhân viên, đặc biệt, cần tạo lập văn hóa để khuyến khích nhân viên nhận xét và góp ý cho lãnh đạo.
Lãnh đạo phải làm gương về thái độ
Trao đổi trong tọa đàm “Phát triển năng lực lãnh đạo”, hôm nay (24/11), bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch Công ty Cổ phần giải pháp nhân lực Le & Associates, những quan ngại về đại dịch Covid- 19 và những bất định của thị trường hiện nay cũng ảnh hưởng khá lớn đến việc xử lý quan hệ lao động và câu chuyện phát triển kinh doanh của các lãnh đạo doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam dù nhỏ hay lớn vẫn bị ảnh hưởng bởi văn hóa Á Đông, khi một người lên làm cấp quản lý hay giám đốc, những người khác thường nghi ngờ về khả năng và đặt cho họ yêu cầu phải tạo được kết quả ngay lập tức.
Theo bà Mỹ Lệ, áp lực về việc phải tạo ra thành tựu trong công việc, đặc biệt ở thời điểm dịch Covid- 19 gây khó khăn cho doanh nghiệp, và khiến những người lãnh đạo thường phải tập trung vào việc ‘chạy cho ra số’ thay vì quan tâm tới con người nhiều hơn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Le Invest Corporation cho biết, trong khủng hoảng, kĩ năng rất quan trọng của người lãnh đạo là khả năng dẫn dắt và làm gương về thái độ với công việc, với nhân sự, với xã hội.
Đặc biệt, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc người lãnh đạo trực tiếp tham gia vào hoạt động cụ thể, giải quyết khó khăn, dẫn dắt nhân viên và giúp nhân viên hoàn thành trách nhiệm rất quan trọng.
“Ví dụ ở doanh nghiệp chúng tôi, lãnh đạo phải xắn tay vào giải quyết vấn đề của khách hàng, của các nhân viên đang bị bế tắc, nhân viên sẽ cảm nhận được có lãnh đạo sát cánh, song hành, sẽ tạo ra niềm tin để nhân viên gắn bó với công ty hơn, họ biết rằng lãnh đạo không bỏ rơi họ và tập trung để hướng tới tương lai”, ông Vinh cho biết.
Cũng theo vị lãnh đạo của Le Invest Corporationm, việc doanh nghiệp kiên trì với những mục tiêu dài hạn rất quan trọng. Tuy nhiên trong những trường hợp nhất định, lãnh đạo phải biết lựa chọn mục tiêu ngắn hạn, dù việc này có thể làm chậm lại tiến trình của doanh nghiệp.
“Ví dụ doanh nghiệp phải lo được việc trả lương cho nhân viên đúng hạn, đặc biệt trong dịch Covid-19, cần có những quyết sách hướng về con người nhiều hơn, biết chia sẻ hơn để tạo ra sự ổn định tâm lý và sự yên tâm với người cộng sự, để họ thấy rằng lãnh đạo đang muốn giải quyết vấn đề trước mắt chứ không phải hi sinh cái trước mắt vì cái lâu dài”, ông Vinh nhấn mạnh.
Dũng cảm nhận đánh giá từ nhân viên
Ông Lê Quốc Vinh cũng cho biết, hiện nay, ở các nước phát triển, các doanh nghiệp lớn đều áp dụng các bộ công cụ đánh giá lãnh đạo.
Tuy nhiên ở Việt Nam, do ảnh hưởng của văn hóa Á Đông nên việc đánh giá lãnh đạo, ngay cả lãnh đạo cấp trung cũng còn rất dè dặt, kể cả quan hệ cá nhân nhân viên với lãnh đạo cũng ngại ngùng. Và đặc biệt, không phải lãnh đạo nào cũng dũng cảm để lắng nghe những lời nhận xét, thậm chí phê bình về mình để phát triển.
Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, sau dịch Covid-19, doanh nghiệp cần tạo ra tư duy quản trị bằng lãnh đạo. Lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ chú trọng mối quan hệ khách hàng; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên mà ngược lại, cũng phải thoải mái đón nhận những góp ý từ cấp dưới.
“Văn hóa đánh giá lãnh đạo cần xây dựng dần dần vì nếu áp dụng ngay lập tức, nhân viên sẽ cảm thấy khó xử và căng thẳng khi chia sẻ. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo doanh nghiệp thành tâm lắng nghe và truyền thông cho nhân sự biết rằng, việc đánh giá này giúp cấp lãnh đạo phát triển bản thân và điều hành doanh nghiệp tốt hơn, chứ không phải cho ai đó nghỉ việc, sẽ giúp xóa nhòa khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên, tạo sự tin tưởng và gắn bó hơn”, bà Lệ cho biết.