Xuất khẩu tôm vẫn 'sáng cửa' giữa tâm bão Covid-19
(DNTO) - Mặc dù tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, gây tác động bất lợi lớn đến nhiều ngành hàng xuất khẩu, nhưng mặt hàng tôm của Việt Nam vẫn tăng tốc bứt phá để ghi dấu ấn xuất khẩu vượt mong đợi.
Ghi dấu đậm nét trên thị trường Mỹ
Theo đánh giá của các chuyên gia hiện nay tôm Việt Nam đang đứng vị trí số 1 tại hầu hết các thị trường, với kim ngạch vượt trội so với các quốc gia khác. Những thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đều gia tăng lượng nhập khẩu, đặc biệt, Mỹ là thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt nhất.
Cụ thể, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 439,8 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng hàng đầu của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Gần 90% giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ trong năm qua là sản phẩm tôm chân trắng. Trong đó, giá trị tôm chân trắng chế biến tăng 26%; tôm chân trắng sống/tươi, đông lạnh tăng 49%.
Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan lần lượt là các nhà cung cấp lớn nhất sản phẩm tôm thịt đông lạnh cho Mỹ. Việt Nam đứng thứ 2 sau Ấn Độ về cung cấp sản phẩm này cho Mỹ. Việt Nam xuất khẩu 11.770 tấn tôm thịt chế biến đông lạnh sang Mỹ, trị giá trên 124 triệu USD, tăng 81% về giá trị và 76% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây mức tăng trưởng cao nhất trong số các nước cung cấp sản phẩm này cho Mỹ.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong 5 nguồn cung tôm chính cho Mỹ, nhập khẩu tôm từ Ecuador vào Mỹ đạt tăng trưởng cao nhất, tiếp đó là Việt Nam.
Hiện nay, ngành tôm Ấn Độ hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn như ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịch bệnh trên tôm, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường giảm. Ngành tôm Ecuador năm 2020 cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá tôm liên tục giảm, logistics, thị trường bị gián đoạn do dịch Covid-19. Thái Lan ngày càng giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Nhập khẩu tôm của Mỹ từ Trung Quốc tiếp tục giảm do căng thẳng chiến tranh thương mại giữa hai nước chưa chấm dứt... Do đó cơ hội cho ngành tôm Việt bứt phá nửa cuối năm để giành thế "thượng phong" tại thị trường Mỹ không phải quá xa vời.
Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, cho tới nay, người tiêu dùng Mỹ vẫn ưa chuộng sản phẩm tôm chế biến và giá trị gia tăng. Bất chấp đại dịch Covid-19, nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn tăng 7% so với năm trước. Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng nhập khẩu tôm của Mỹ trong những năm tới tăng trưởng tốt và ổn định, tới năm 2027, khối lượng nhập khẩu tôm của nước này có thể vượt mức 1 triệu tấn.
Chủ động đón thời cơ
Giữa tâm bão đại dịch, các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam đã chủ động đón thời cơ. Cụ thể, các doanh nghiệp đã tăng cường tìm nguồn nguyên liệu cung ứng cho hoạt động sản xuất, chế biến, đa dạng hóa thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên thị trường do dịch Covid-19, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp từng phân khúc khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thị trường khu vực và quốc tế...
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, xuất khẩu tôm của Việt Nam tới Mỹ trong thời gian tới sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng và hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng.
"Việc chúng ta tham gia các hiệp định song phương với các nước sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu được thuận lợi hơn. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ tiếp tục tổ chức các chuỗi sự kiện, hội chợ, đưa mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm chế biến đi các nước giới thiệu, quảng bá nhằm tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu", ông Toản thông tin.
Đồng quan điểm, ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau cho hay, nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau vào các nước thành viên EVFTA tăng hơn 148% so với cùng kỳ; các nước thành viên CPTPP tăng 9,8%,...
Tương tự như Cà Mau, các địa phương khác tại khu vực ĐBSCL cũng tranh thủ các lợi thế này để đẩy mạnh xuất khẩu tôm trong giai đoạn khó khăn về giao thương. Điển hình tại tỉnh Bạc Liêu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm của địa phương này đã tận dụng lợi thế kép từ quyết định của Mỹ - hủy quyết định áp thuế tôm xuất khẩu đối với những tập đoàn xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm cũng phát huy và khai thác tốt nguồn nguyên liệu vốn rất dồi dào khi nhiều dự án nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đang được tập trung đẩy mạnh trong năm 2021.
Cũng theo các chuyên gia, mặc dù dịch bệnh tác động nhiều đến thu nhập, khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu cho những mặt hàng xa xỉ, nhưng nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là nhu cầu về các nguồn thực phẩm dinh dưỡng chất lượng tốt, cần thiết hàng ngày vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, chất lượng tôm Việt ngày càng có uy tín trên thị trường, điều này giúp cho tôm Việt càng được nhiều thị trường lựa chọn.
Do đó, trong xuất khẩu tôm, để đảm bảo tính cạnh tranh thì việc kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào và đảm bảo theo các tiêu chuẩn quốc tế rất quan trọng. Trong khi đó điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt lâu nay vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế.
Để khắc phục điểm yếu này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, các doanh nghiệp và người nông dân nuôi tôm Việt Nam cần tăng cường liên kết chuỗi, nhằm nắm bắt nhu cầu, chất lượng; đồng thời cân nhắc vấn đề tài chính để xem xét nuôi trồng như thế nào cho hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường nhập khẩu, tận dụng tối đa các lợi thế, mới có thể giữ vững được uy tín và thương hiệu.
"Việc Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, hoạt động nuôi, chế biến không bị đứt gãy, chất lượng tôm được nâng cao, thị trường liên tục mở rộng sẽ là "visa" để ngành hàng tỷ đô này bứt phá và vươn xa hơn nữa", ông Hoè nhấn mạnh.