Xuất khẩu tôm sang Australia tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2020
(DNTO) - Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 4/2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Australia đạt 47,4 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, Việt Nam là thị trường xuất khẩu tôm tiềm năng trong khối thị trường CPTPP, trong 2 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu tôm (nhất là tôm chân trắng) sang thị trường Australia rất khả quan. Trong quý 1/2021, có hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu tôm sang thị trường này, trong đó lớn nhất là Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang.
Sản phẩm tôm xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian qua khá đa dạng, trong đó chủ yếu là sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú đông lạnh (HS 03061721 và 03061722); tôm chân trắng tươi PDTO đông lạnh, tôm chân trắng tươi, lột vỏ, bỏ đầu, còn đuôi; tôm sú PD tươi, đông lạnh; thịt tôm mũ ni, tôm mũ ni nguyên con; tôm khô…
Theo thống kê mới nhất của ITC, 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Brunei là 5 nước cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Australia, trong đó, Việt Nam là thị trường lớn nhất, chiếm đến 65% tổng giá trị tôm xuất khẩu.
Mặc dù giá tôm nhập từ Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước đối thủ, từ 1 - 2,71 USD/kg nhưng tôm Việt Nam đang cạnh tranh rất tốt tại thị trường này.
Năm ngoái, nhập khẩu tôm của Australia bị ảnh hưởng do Covid-19, doanh số tiêu thụ tôm trên toàn quốc giảm mạnh bởi lệnh giãn cách xã hội. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều nhà nhập khẩu, nhà cung cấp, kênh phân phối bán lẻ đã thích nghi với dịch bệnh để thúc đẩy lại hoạt động kinh doanh. Nhiều phương thức bán hàng được thay đổi theo hướng dịch vụ giao hàng tận nhà tăng lên, ưu tiên thanh toán bằng thẻ và người mua hàng trực tiếp phải tuân thủ yêu cầu về khoảng cách. Các sản phẩm bán sỉ cũng có thể được mua từ hệ thống các cửa hàng, đồng thời chuỗi nhà hàng, nhà cung cấp thủy sản địa phương chấp nhận đặt hàng trước.
Cũng theo thông tin từ VASEP, sau nhiều năm sụt giảm, xuất khẩu cá tra sang Nga tăng mạnh.
Cụ thể, tính đến nửa đầu tháng 4/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga đạt 11,4 triệu USD, tăng 118,7% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga thời gian qua như Công ty CP Nông nghiệp Hùng Hậu, Công ty CP Chế biến Thủy hải sản Hiệp Thanh, Công ty CP Vạn Ý, Công ty CP Thực phẩm Quế Ký.
Nga vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống của cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này không ổn định do chính sách nhập khẩu của nước này khác biệt so với các thị trường khác. Đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu ba nhóm sản phẩm chính là cá tra phi lê đông lạnh, cá tra cắt khoanh đông lạnh và cá tra nguyên con đông lạnh sang thị trường này.
Cho đến thời điểm này, Nga vừa là một trong những thị trường xuất khẩu cá thịt trắng (cá minh thái) lớn nhất thế giới, nhưng cũng là nhà nhập khẩu nhiều sản phẩm cá thịt trắng từ Trung Quốc, Argentina và Việt Nam.
VASEP cũng dự báo, xuất khẩu thủy sản trong quý II/2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng với mức 10% và khả năng đạt 2,1 tỷ USD, đặc biệt tôm và hải sản sẽ là những sản phẩm tiếp tục có sự tăng trưởng khá.