Kịch bản nào cho ngành tôm để 'cán đích' 4 tỷ USD?
(DNTO) - “Kịch bản lạc quan nhất khi kiểm soát được dịch Covid-19 đối với vùng sản xuất tôm trong 2 tháng tới, mặt hàng tôm sẽ vẫn có cơ hội tăng trưởng 12% so với năm 2020. Nếu dịch còn kéo dài hơn thì sẽ tăng dưới 9%”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký VASEP nhận định.
Kịch bản nào cho những khó khăn đang bủa vây ngành tôm?
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2021, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn rủi ro khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang bủa vây và sức nóng về cạnh tranh thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu đối mặt với một số thách thức mới, một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm.
Ví dụ, Hàn Quốc yêu cầu sản phẩm tôm phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị… của sản phẩm. Thị trường Brazil quy định chế độ xử lý nhiệt khắt khe hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới.
Đối với sản xuất trong nước, chưa chủ động được nguồn tôm khi vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, Chẳng hạn như vào mùa cao điểm thả giống, vùng nuôi trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn số lượng lớn tôm giống nhập từ các tỉnh Nam Trung Bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch...
Việc triển khai đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ còn chậm. Bởi, việc tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký của chính quyền địa phương đến người dân còn chậm và chưa được quan tâm thực hiện. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, người dân chưa nhận thức và chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký, cấp mã số. Lũy kế đến hết tháng 6/2021, tổng số cơ sở nuôi tôm nước lợ được cấp mã số là 7.274, đạt gần 10%.
Ngoài ra, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ.
Về tín dụng, đây vẫn là bài toán nan giải. Diện tích nuôi tôm không thể tăng mà muốn tăng sản lượng phải nhờ công nghệ. Nhưng nuôi tôm công nghệ cao đầu tư rất lớn, nếu các tổ chức tín dụng không cho vay thì rất khó thực hiện. Bởi hiện nay, trên 700.000ha tôm nuôi mới có trên 100.000ha nuôi công nghệ cao.
Theo đó, chỉ đạo tại "Hội nghị trực tuyến giải pháp phát triển ngành hàng tôm năm 2021 và triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045", ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành tôm sẽ chủ động sẵn kịch bản để từng bước giải quyết tháo gỡ những khó khăn, thách thức về đảm bảo duy trì thị trường, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… để phấn đấu xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỷ USD.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, những tháng cuối năm 2021, dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, với tình hình dịch trong nước đang diễn biến phức tạp tại các vùng trọng điểm nuôi, chế biến thì việc tận dụng được cơ hội này đặt ra không ít thách thức.
“Với kịch bản lạc quan nhất là sẽ kiểm soát được dịch Covid-19 đối với vùng sản xuất tôm trong 2 tháng tới, mặt hàng tôm sẽ vẫn có cơ hội tăng trưởng 12% so với năm 2020. Nếu dịch còn kéo dài hơn thì sẽ tăng dưới 9%”, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định.
Cần giải pháp "căn cơ" để hiện thực hoá mục tiêu
Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu tôm có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 4 đến 4,4 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để có thể tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu tốt, chúng ta cần có những giải pháp căn cơ, cụ thể:
Thứ nhất, công tác quản lý sản xuất và quản lý giống tôm nuôi phù hợp, kiểm soát tốt dịch bệnh và bảo đảm chất lượng con giống cung cấp, tránh rủi ro về khâu sản xuất để ổn định nguồn cung, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thứ hai, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đủ về lượng và bảo đảm về chất, nhất là khâu nuôi trồng bằng cách ứng dụng các khoa học - công nghệ mới.
Thứ ba, tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường thông qua tăng khả năng cung ứng để bù đắp sản lượng thiếu hụt do các quốc gia cung ứng khác đang chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19...
"Cần tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu. Nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả, giữ vững và phát triển thị trường "đầu ra". Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để đưa mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm chế biến đi các nước giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thêm thị trường mới và hướng đến xuất khẩu bền vững" - Thứ trưởng Tiến cho hay.
Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn, thách thức về đảm bảo duy trì thị trường, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, bộ sẽ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về thủ tục đất đai để làm căn cứ pháp lý cho cấp mã số vùng nuôi, đảm bảo cho truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, ông Trần Công Khôi - Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành sẽ phối hợp địa phương tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.
Đồng thời, tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.
"Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao... và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả để giúp doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất" - ông Khôi nhấn mạnh.
Ngoài ra, chia sẻ bên lề hội nghị, tiến sĩ Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, trong bối cảnh covid-19 bùng phát, để tự mình vượt qua khó khăn thì việc doanh nghiệp nuôi tôm đáp ứng tốt phương châm "3 tại chỗ" hiện nay là bài toán trọng yếu giúp sản xuất được liền mạch và chủ động nguồn cung ứng.
"Việc tổ chức "3 tại chỗ" sẽ đảm bảo cung ứng một phần nào đó sản phẩm theo các hợp đồng, giảm thiểu khó khăn cho các đối tác, không chỉ đảm bảo sự tồn tại, bền vững của doanh nghiệp trong nghịch cảnh này mà còn nhằm duy trì và tương hỗ các mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị con tôm là: người nuôi - người lao động trong doanh nghiệp chế biến - nhà tiêu thụ" - ông Lực cho hay.