Kịch bản nào cho điều hành giá kiểm soát lạm phát?
(DNTO) - Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021”, Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính nhận định: Chỉ số giá tiêu dùng vẫn trong tầm kiểm soát, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là hoàn toàn khả thi.
Bức tranh toàn cảnh về thị trường giá cả vẫn lạc quan
Thông tin từ Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), mặt bằng giá 6 tháng đầu năm diễn biến tăng cao theo quy luật trong dịp lễ, tết và giảm dần, trở lại mức bình thường trong các tháng 3 và tháng 4 trước khi tăng nhẹ trở lại trong tháng 5 và tháng 6.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI phản ánh đúng diễn biến mặt bằng giá. CPI của tháng 1 tăng 0,06%, tháng 2 tăng cao 1,52%, tháng 3 giảm 0,27%, tháng 4 giảm 0,04%, tháng 5 tăng 0,16%, tháng 6 tăng 0,19%. Từ đó, đưa CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 0,07% so với tháng 5/2021 và tăng 1,14% so với tháng 6/2020. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021”, ông Nguyễn Xuân Định - Phó phòng Chính sách Tổng hợp, Cục Quản lý Giá nhận định, một số yếu tố tác động làm gia tăng áp lực lên mặt bằng giá trong 6 tháng qua là giá một số nguyên, nhiên, vật liệu có xu hướng tăng cao. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp tết cũng khiến mặt bằng giá tháng 2 ở mức cao, song lại trở lại bình thường sau tết. Mức chi trả điện nước bình quân theo luỹ tiến tăng do nhu cầu sử dụng điện nước tăng.
Ông Nguyễn Xuân Định cũng cho rằng, từ diễn biến lạm phát có thể thấy, mặc dù nguy cơ lạm phát tăng cao ở nhiều khu vực trên thế giới, song việc kiểm soát lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và được dự báo, đánh giá trong kịch bản điều hành giá do Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra ngay từ đầu năm.
"Theo tôi, mục tiêu lạm phát dưới 4% của Chính phủ vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Chính phủ cần quan tâm cả yếu tố giá cả và yếu tố tiền tệ. Một giải pháp giảm bớt áp lực lạm phát về giá đó là Chính phủ có thể thông qua các quỹ bình ổn giá và kỷ luật tài khóa để hạn chế tăng giá một số mặt hàng thiết yếu và lương thực.
Trong khi đó, lãi suất thấp và các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng giúp thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ phải kiểm soát chính sách tiền tệ một cách cẩn thận và nghiêm ngặt hơn" - ông Định cho hay.
Dự báo CPI cuối năm, ông Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho biết, CPI bình quân năm 2021 so với năm 2020 sẽ ở mức 2,5% (+-0,3%). Mức dự báo CPI nêu trên dựa trên cơ sở dự báo có nhiều nhân tố làm giảm áp lực lạm phát như: tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp khiến cho mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể phục hồi vững chắc, làm cho giá cả nguyên, nhiên, vật liệu khó tăng như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, dự báo giá một số hàng hóa thiết yếu sẽ hạ nhiệt, giá cả thị trường ổn định, không có biến động.
Cục Quản lý Giá dự báo, về mặt “con số”, rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn, nên CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, việc kiểm soát bình quân cả năm 2021 ở mức 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Giá, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội giao, mà cần phải được đặt ra trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chống dịch và là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới, 2022.
Bày tỏ quan điểm của mình, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định, tổng cầu yếu do Covid-19 là nguyên nhân cơ bản giữ cho lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao.
Qua tính toán, TS. Độ cho rằng, nếu tốc độ tăng giá được duy trì trong thời gian còn lại của năm mỗi tháng khoảng 0,27%, thì lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ mức 2,41% hiện nay lên mức 3,28% vào tháng 12/2021, đồng thời lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 2,12%.
Trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng trong thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12/2021 sẽ ở mức 4,71%, nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%.
Hai "kịch bản" cho CPI
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá của nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu đã tăng khá cao, đặc biệt là đầu vào cho sản xuất như xăng dầu, sắt thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi... đang gây ra những áp lực lớn tới lạm phát từ nay đến cuối năm nếu không có những giải pháp kiểm soát chặt chẽ, kịp thời, nhất là khi áp lực tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu xảy ra cùng lúc với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu thắt chặt tiền tệ và có thể sẽ tăng lãi suất từ năm 2023.
Theo đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính đưa ra 2 kịch bản cho CPI năm 2021.
Kịch bản thứ nhất, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm tăng ở mức 6,8 - 7%, thì khả năng lạm phát cả năm sẽ ở khoảng 3,3 - 3,5%.
Kịch bản thứ hai, nếu kinh tế tăng trưởng ở mức 7,0 - 7,4%, thì khả năng lạm phát sẽ ở mức 3,8 - 4,0%.
TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, nếu kiểm soát lạm phát một cách thận trọng, chủ động, thậm chí chúng ta có thể đạt CPI cả năm dưới 3%.
Ông Phương cho rằng cần theo dõi sát diễn biến giá cả cung cầu các mặt hàng thiết yếu; không tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, cần điều hành tốt giá một số mặt hàng như: sắt thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, dịch vụ y tế, đất đai, bất động sản. Chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến.
Để kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, Bộ Tài chính cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu chiến lược trên thế giới. Từ đó, tính toán, dự báo các tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như các tác động tới sản xuất, kinh doanh, để có các biện pháp cân đối cung - cầu, giá cả kịp thời trong trường hợp tiếp tục có các biến động mạnh.
Cùng đó, ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động "tát nước theo mưa” để trục lợi. Đặc biệt, Cục Quản lý Giá cũng tập trung tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản.
Bên cạnh đó, có các giải pháp điều tiết tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản, không để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá.
Các chuyên gia nhận định, để kiềm chế lạm phát trong năm 2021, cần đảm bảo cung cầu hàng hóa, kể cả nhập khẩu nếu cần thiết, công khai, minh bạch thông tin để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, hạn chế thông tin thất thiệt gây hoang mang, bất ổn thị trường.
Đồng thời, phải chuyển mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên vốn, lao động, tài nguyên sang chiều sâu dựa trên đổi mới sáng tạo, trình độ khoa học công nghệ cao.