Năm 2021, kịch bản cao GDP Việt Nam sẽ đạt 6,9%
(DNTO) - Theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn FDI.
Ngày 19/1, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 - Thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo”.
Nên tập trung ưu tiên giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao
Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam nêu rõ, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép”: Vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19.
Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, thấp nhất kể từ sau đổi mới năm 1986, nhưng tốc độ tăng trưởng có sự phục hồi ấn tượng sau khi sụt giảm vào quý 2/2020 và ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 là cú huých quan trọng ban đầu đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng do nhiều nguyên nhân, và một khi bệnh dịch được kiểm soát như hiện nay thì nỗ lực chuyển đổi số có thể chùng xuống, thậm chí ngưng hẳn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, cần hỗ trợ đủ liều, đủ dài sau khi dịch chấm dứt đối với các doanh nghiệp công nghệ số với các nhóm khác nhau.
Do vậy, các gói hỗ trợ và việc thực thi phải tính đến đúng mức các đặc trưng và bản chất của cú sốc Covid-19. Cần chuyển từ hỗ trợ mang tính trung tính/truyền thống sang hỗ trợ có tính chuyên biệt Covid để tăng hiệu quả.
Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu của các gói kích thích tiếp theo vẫn không nên và không thể cứu tất các doanh nghiệp yếu kém để sau đó tạo ra gánh nợ, chính vì vậy, khi nguồn lực hạn chế, chỉ nên tập trung ưu tiên vào giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn; mức độ, ngành hàng thuộc diện giải cứu cần tính đến mức độ hưởng lợi, thiệt hại của ngành từ đại dịch.
Các chuyên gia nhấn mạnh thêm, để thúc đẩy tái cơ cấu và huy động vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp (khi thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi), cần đẩy mạnh việc IPO, thoái vốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước.
Xây dựng, triển khai thực hiện sớm chiến lược chuyển đổi số trong kết hợp với các gói kích thích kinh tế (mới), giải pháp cơ cấu lại ngành/hàng liên quan. Đồng thời, xây dựng, thực hiện các quy định/giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hữu hiệu, an toàn như vấn đề an ninh số, khớp nối các chuẩn mực/tiêu chí lao động trong lĩnh vực kinh tế số và kinh tế truyền thống, đảm bảo tính chính thống khi nhận hỗ trợ Nhà nước…
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021
Nói về triển vọng và dự báo tăng trưởng kinh tế 2021, các chuyên gia cho rằng, mặc dù dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ.
Vaccine phòng ngừa Covid-19 bắt đầu được tiêm phòng tại một số quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thụy sỹ và sẽ mở rộng ra nhiều quốc gia khác trong năm 2021. Gói hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được nhiều nước lớn triển khai và sẽ có tác động trong năm 2021. Vì thế, nền kinh tế thế giới sẽ ấm dần lên, kéo theo đó hoạt động đầu tư, thương mại của nền kinh tế nước ta.
Theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo đó, các dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra sẽ đạt được chỉ trong kịch bản cao khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.