Lạm phát được kiểm soát tốt, vì sao nhiều người vẫn băn khoăn về giá cả tăng cao?

(DNTO) - Tâm lý lo lắng của người dân đã lan ra tiêu dùng, cùng đó sự chậm lại của vòng quay tiền trong nền kinh tế dù cung tiền đẩy ra nhiều là nguyên nhân dẫn đến thực tế trên, theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Thủ tướng.
'Tiền trong nền kinh tế còn bị ách tắc'
Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả. GDP tăng 7,52%, cao nhất của sáu tháng đầu năm trong suốt giai đoạn 14 năm qua. Lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung. Các chỉ tiêu cơ bản đều đảm bảo.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Thủ tướng, tình hình vĩ mô bên ngoài bất ổn luôn có thể khiến giá xăng dầu dễ bùng phát hay có thể xảy ra tình trạng găm giữ hàng hóa, thao túng giá, tuy nhiên nhà nước luôn có "van điều chỉnh" với các công cụ điều tiết để tạo sự ổn định. Các thị trường vàng, bất đồng sản, chứng khoán cũng được giám sát chặt chẽ nhằm tạo tâm lý an dân và đảm bảo giá hàng hóa.

Ảnh minh họa
Dù vậy, chuyên gia cũng chỉ ra rằng, dù chỉ tiêu lạm phát được đánh giá tích cực và được kiểm soát tốt nhưng không ít người tiêu dùng lại cảm nhận rõ áp lực giá cả tăng cao của nhiều hàng hóa tiêu dùng so với trước.
TS. Cấn Văn Lực cho biết, điều này một phần do tâm lý băn khoăn lo lắng đã lan ra mảng tiêu dùng khi mà giá cả hàng hóa trên thế giới đang giảm chậm lại. Mặt khác, cung tiền đưa ra nền kinh tế ngày tăng nhanh, tổng phương tiện thanh toán (M2) tính đến cuối tháng 6 đã tăng 7,25% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, vòng quay tiền trong nền kinh tế lại chậm, sáu tháng đầu năm mới đạt 0,62 lần, chậm hơn mức 0,65 của năm ngoái, cho thấy dòng tiền chưa vận hành hiệu quả. "Tiền ra nhiều nhưng bị ách tắc và chưa được luân chuyển, chúng ta cần tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để khơi thông dòng tiền", ông Lực cho biết.
Còn nhiều yếu tố bất định với mục tiêu tăng trưởng 8%
Chia sẻ tại chương trình "Tăng trưởng GDP 6 tháng, đằng sao con số kỷ lục hơn 10 năm", TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, sở dĩ Việt Nam có kết quả kinh doanh quý 2 tích cực hơn quý 1 là do đã tận dụng chính sách hoãn thuế đối ứng của ông Trump, lượng hợp đồng tăng lên rõ nét. Dù vậy, quý 3 và quý 4 năm nay sẽ còn nhiều bất định.
Trước hết, những bất định từ thuế quan và địa chính trị bên ngoài vẫn tác động đến tâm lý người dân dù kinh tế trong nước vẫn tăng trưởng tốt. Kinh tế tư nhân, trong đó kinh tế hộ gia đình rơi vào thời điểm nhiều thách thức từ các chính sách mới như bỏ thuế khoán, chuyển đổi hóa đơn điện tử, chính sách chống hàng giả hàng nhái được đẩy mạnh... khiến họ có thể chưa hoàn toàn yên tâm và cần tháo gỡ cho họ trong quá trình chuyển đổi.
Ông cũng đề cập đến vấn đề, nếu lạm phát kiểm soát tốt mà người dân vẫn băn khoăn về giá cả thì cơ quan chức năng cần có sự khảo sát, kiểm tra lại rổ hàng hóa sát sao hơn.
Khó khăn không ít nhưng nền kinh tế trong nước còn nhiều động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8%. Có thể kể đến, các động lực truyền thống như nông nghiệp giữ vững và phát huy, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ phục hồi tốt hơn. Lĩnh vực đầu tư công đã có nhiều thành quả, hướng tới sự đồng đều hơn giải ngân hết 100% vốn song song đảm bảo chất lượng đầu tư công. Đầu tư khối nhà nước đang tăng tốt.
"Dù thách thức nhưng Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%", ông Lực nhấn mạnh.