Cần xây dựng các 'kịch bản' để tiêu thụ nông sản trong mùa dịch
(DNTO) - "Không chỉ nông nghiệp mà các ngành kinh tế khác cũng đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Song đây là lĩnh vực dễ thiệt hại nên cần có 'kịch bản' ứng phó ngay từ đầu, nhất là khâu tiêu thụ. Có như vậy mới có thể giành thắng lợi toàn diện khi thực hiện 'mục tiêu kép', bộ NN&PTNT nhận định.
Đẩy mạnh logistics để "gỡ khó" cho tiêu thụ nông sản
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2021, cùng với những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, sản xuất nông lâm thủy sản đang dần hồi phục, thị trường tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng vẫn được khơi thông, mở rộng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020 và tăng ở các nhóm ngành hàng chính, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Từ kinh nghiệm năm 2020, Bộ NN&PTNT đề xuất các địa phương, nhất là các địa phương có vùng nguyên liệu lớn sắp cho thu hoạch có phương án kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để đẩy nhanh tiêu thụ nông sản tránh việc ứ đọng hàng hóa cục bộ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam có nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ, dễ gặp khó khăn, áp lực tiêu thụ khi vào mùa vụ thu hoạch, nhất là phải đối mặt với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nhiều sản phẩm nông sản hiện đang vào mùa vụ thu hoạch và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính như vải, nhãn, thanh long... có nguy cơ gây áp lực thông hàng hóa để đưa lên các tỉnh biên giới xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
"Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị các cơ quan chức năng của Trung Quốc có những biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời, cũng như cùng phối hợp hỗ trợ tạo thuận lợi nhất để thúc đẩy thương mại hàng hóa, có thể thành lập đường dây nóng tại cửa khẩu Nam Ninh để kịp thời giải quyết những khó khăn khi phát sinh", ông Nam cho hay.
Cũng theo ông Nam, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet, và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ chủ yếu là xuất khẩu. Với số lượng kho lạnh hiện nay như thế là còn thiếu và yếu, các thiết bị đầu tư của các doanh nghiệp logistics thiếu đồng bộ, thiếu kho bãi tại vùng sản xuất, cửa khẩu và ùn tắc giao thông cũng khiến chi phí logistics của Việt Nam còn cao.
Đơn cử như ngành thủy sản, chi phí logistics chiếm hơn 12%; đồ gỗ chiếm 23%; rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến 30% trong giá thành chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy cần thành lập tổ công tác liên ngành đẩy mạnh logistics để gỡ khó cho tiêu thụ nông sản.
"Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông lâm thuỷ sản có tính thời vụ đang vào mùa thu hoạch như: Vải, nhãn, thanh long, sầu riêng…đặc biệt là ở các cửa khẩu biên giới", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu quan điểm.
Xây dựng các kịch bản để chủ động ứng phó
Thực tế, không phải đến đợt dịch này mà tình trạng ùn ứ, giải cứu nông sản vẫn xảy ra trong nhiều năm qua, cho thấy sự lúng túng, thụ động của chính các cơ quan quản lý trong việc ban hành quy trình, tiêu chuẩn lưu thông hàng hóa cũng như lên kịch bản ứng phó.
Có thể thấy, tình trạng dư cung hoặc giá giảm sâu trong khâu tiêu thụ đối với một số nông sản vụ Đông trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua tại một số địa phương đặc biệt ở Hải Dương là bài học kinh nghiệm để hoàn thiện cơ chế vận hành kết nối địa phương với địa phương nhằm tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động. Do đó Bộ NN&PTNT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đặt ra các kịch bản khi có dịch thì làm thế nào, trong trường hợp phong tỏa thì sản xuất, lưu thông ra sao, đừng chờ đến khi sự việc xảy ra mới tìm phương án giải quyết.
"Không chỉ nông nghiệp mà các ngành kinh tế khác cũng đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Song đây là lĩnh vực dễ thiệt hại nên cần có "kịch bản" ứng phó ngay từ đầu, nhất là khâu tiêu thụ. Có như vậy, mới có thể giành thắng lợi toàn diện khi thực hiện "mục tiêu kép", bộ NN&PTNT nhận định.
Theo đó, các địa phương cũng chủ động, linh hoạt trong thực hiện các kịch bản tiêu thụ nông sản. Ví dụ như UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 2 phương án hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.
Trong đó, phương án 1: Nếu tình hình dịch trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương được trở lại bình thường, UBND dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 114.000 tấn (tiêu thụ trong nước 51.000 tấn, xuất khẩu 53.000 tấn); chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn.
Phương án 2: Tình hình dịch trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp, UBND huyện dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95.000 tấn (trong đó, tiêu thụ trong nước: 60.000 tấn, xuất khẩu: 35.000 tấn); tiêu thụ bằng hình thức khác: 25.000 tấn.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh cũng đã kết nối với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị và các trang thương mại điện tử để tiêu thụ vải. Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, cấp huyện trong việc hướng dẫn lập hồ sơ xác nhận các lô hàng vải quả đảm bảo an toàn dịch bệnh để tiêu thụ trong và ngoài nước.
Nhờ chủ động các phương án tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều nên mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Bắc Giang vẫn thu được gần 7.000 tỷ đồng từ vụ vải thiều 2020. Các hoạt động xúc tiến cũng được đẩy mạnh, lần đầu tiên vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản
Ông Phan Thế Tuấn đề nghị, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cử cán bộ hỗ trợ trong việc kiểm dịch để xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản. Bộ Công Thương kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, chợ đầu mối... vào cuộc tiêu thụ vải, tăng cường đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu.
Tại Hà Tĩnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ yếu là trong tỉnh và xuất bán một số tỉnh phía bắc, phía nam. Bước đầu đã hình thành một số liên kết bao tiêu sản phẩm lớn cho bà con nông dân. Một số sản phẩm xuất khẩu vẫn tiêu thụ khá tốt như: chè xuất khẩu 373 tấn, thủy sản xuất khẩu 167 tấn, gạo xuất khẩu 2.000 tấn.
Về vấn đề lưu thông hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Thành Công cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện để thương nhân sau khi tiêu thụ vải ở Bắc Giang có thể về Sơn La tiêu thụ nhãn cũng như các nông sản khác trong tình hình dịch.
Trong bối cảnh thị trường thế giới thiếu hụt, các nước xuất khẩu giảm, chuỗi cung ứng của các nước bị đứt gãy do ảnh hưởng của Covid-19 là cơ hội của nông sản Việt Nam. Khi chúng ta chống dịch tốt, giữ được an toàn sinh học, tiếp tục tăng diện tích để nâng cao sản lượng, giữ được chuỗi cung ứng ổn định sẽ đảm bảo được giá trị xuất khẩu.