Khai thác hải sản IUU: Đừng để 'thẻ vàng' chuyển sang 'thẻ đỏ'
(DNTO) - Sáng nay, 13/7, tại cuộc họp trực tuyến về "Chống khai thác hải sản bất hợp pháp" với 28 tỉnh, thành phố ven biển, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu chấm dứt tình trạng khai thác hải sản trái phép vào năm 2022 để gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC), tránh tuyệt đối không để bị áp "thẻ đỏ".
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, EC yêu cầu Việt Nam phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong triển khai thực hiện, tăng cường công tác thực thi pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong thực hiện các quy định pháp luật về chống khai thác IUU. Đặc biệt là phải ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến nay Việt Nam đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Từ đầu năm 2021 đến nay, xảy ra 32 vụ/53 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý so với cùng kỳ năm 2020, giảm 7 vụ/7 tàu (năm 2020 xảy ra 83 vụ/142 tàu, năm 2019 xảy ra 145 vụ/229 tàu).
Trao đổi tại cuộc họp, một số địa phương cho rằng, cần sớm sửa Nghị định 42 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Hiện mức phạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng đối với tàu cá đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài. Đây là mức phạt khá lớn. Tuy nhiên, vấn đề là phải tổ chức xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe.
Khẳng định quyết tâm sớm gỡ “thẻ vàng”, các địa phương đều nhấn mạnh việc tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho ngư dân bên cạnh kiểm soát chặt chẽ.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc EC đưa cảnh báo "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam gây bất lợi đến ngành thủy sản Việt Nam và đời sống của bà con ngư dân.
Ngoài ra, việc bị cảnh báo “thẻ vàng” cũng như việc khắc phục “thẻ vàng” chậm, không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực và thế giới.
"Chúng ta thực hiện tốt thì đời sống của bà con ngư dân được cải thiện, góp phần cải thiện hình ảnh đất nước, chúng ta thực hiện tốt thì các chỉ tiêu kinh tế về xuất nhập khẩu, phát triển thủy sản tốt hơn. Nếu không tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, để sơ sẩy, bị áp "thẻ đỏ" thì ảnh hưởng rất lớn", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng, dù số lượng tàu vi phạm thời gian qua có giảm nhưng vẫn còn nhiều. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn nhiều hạn chế. Hạ tầng cảng cá tại 28 tỉnh, thành phố ven biển chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Phó Thủ tướng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là các quy định chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa phù hợp. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý...
Định hướng các giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: "Phải tăng cường công tác thông tin, giải thích pháp luật, vận động ngư dân thay đổi thói quen, nhận thức rõ các hành vi vi phạm, tuyệt đối tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản. Hệ thống chính trị của 28 tỉnh, thành phố ven biển phải làm tốt công tác này. Làm được điều đó sẽ có tác dụng hơn nhiều biện pháp xử phạt".