Mở rộng đầu tư: Cơ hội cho ngành tôm 'cất cánh'
(DNTO) - Tôm xuất khẩu đang đà tăng trưởng tốt và được kỳ vọng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm nay, tạo động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp ngành tôm "mạnh tay" đầu tư nhà máy, vùng nguyên liệu cho mục tiêu phát triển dài hạn.
Các doanh nghiệp tăng tốc mở rộng sản xuất
Thời gian qua, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu, nhưng cũng chính là “phép thử” quan trọng, khẳng định vị thế của tôm Việt trên thị trường thế giới.
Trong khi nhiều quốc gia khác bị gián đoạn khâu chế biến thì Việt Nam với lợi thế kiểm soát tốt dịch bệnh, các vùng nuôi và nhà máy hoạt động liên tục, đáp ứng được nguồn hàng ở mọi thời điểm. Điều này giúp doanh nghiệp có điều kiện tham gia và thay thế nguồn cung từ các chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 961,9 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản phẩm tôm chiếm 75,8% tổng xuất khẩu tôm, tăng 20%. Trong đó, nhiều thị trường tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu rất cao.
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 là giai đoạn cao điểm thu hoạch và chế biến tôm xuất khẩu tại FMC cũng như cộng đồng doanh nghiệp tôm, nên FMC coi mảng nuôi tôm là hoạt động kinh doanh chính, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2023 sẽ tăng gấp đôi diện tích nuôi. Song song đó, mảng kinh doanh chủ chốt là chế biến đang được mở rộng công suất qua việc cùng lúc xây dựng thêm hai nhà máy chế biến, tăng thêm 50% năng lực sản xuất cho mình.
“Không đơn thuần là mở rộng chế biến, tăng sản lượng hàng xuất khẩu, FMC luôn muốn làm mới mình thông qua thêm khách hàng mới, mặt hàng mới nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng giai đoạn mới (tác động bởi Covid-19) và tăng sức cạnh tranh. FMC muốn tạo ra sự khác biệt trong chế biến cho chiến lược 5 năm này” - ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.
Ngay đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã khai trương nhà máy chế biến tôm An An tại Tiền Giang, có khuôn viên gần 3 hecta, với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng, công suất chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm/ngày, kho lạnh công suất 3.000 tấn. Sự đầu tư phát triển này sẽ góp phần đẩy Thuận Phước vào top 5 doanh nghiệp tôm hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời, An An có vùng nuôi tôm 200 hecta tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho hay, để đón đầu những cơ hội mới, Minh Phú đã xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi giá trị tôm thông minh, xanh, sạch, hữu cơ tuần hoàn và cân bằng carbon gồm nhiều mô hình khác nhau phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Bên cạnh đó, Minh Phú đã kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng Blockchain để xây dựng một ứng dụng di động thông minh (Mobile app) quản lý nuôi tôm.
"Ứng dụng này cho phép người nông dân, kỹ sư, nhà quản lý, người thu mua, nhà máy sản xuất, các đơn vị tài chính như ngân hàng, bảo hiểm,... truy cập vào cơ sở dữ liệu và nhận được thông tin về tình hình nuôi trồng theo thời gian thực, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu chi phí sản xuất cho các chuỗi giá trị" - ông Quang chia sẻ.
Không chỉ mở rộng chế biến tại chỗ, nhiều doanh nghiệp còn tăng nhà máy sản xuất ở các vùng nguyên liệu lớn. Công ty Cổ phần Nha Trang Seafood –F17 (NTSF) đã có nhà máy chế biến tôm và cá tra ở Thốt Nốt, đang hoàn thiện những khâu cuối cùng cho nhà máy chế biến tôm ở Hộ Phòng, Bạc Liêu, công suất 10.000 tấn/năm. Hay Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Hải đang cải thiện điều kiện sản xuất, nâng công suất chế biến và an toàn thực phẩm cho cả 3 nhà máy của mình tại Bạc Liêu. Công ty Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau đã làm mới nhà máy chế biến sâu và nâng công suất kho thêm 3.000 tấn.
Đặt mục tiêu giành "ngôi vương" về xuất khẩu tôm
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.
Dù thương mại thủy sản chưa thoát khỏi ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng ngành tôm Việt Nam được dự báo tiếp tục phát triển nhờ kinh nghiệm thích ứng sự biến đổi của thị trường từ năm 2020, cùng với đó là "cú hích" từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và có hiệu lực trong thời gian gần đây, đặc biệt là FTA Việt Nam-EU (EVFTA).
Nhờ EVFTA, ngành tôm có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các nước sản xuất khác, trong đó lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm… Trong khi đó, Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA, chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%…
Để đón đầu những cơ hội mới, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi giá trị tôm thông minh, xanh, sạch, hữu cơ tuần hoàn và cân bằng carbon gồm nhiều mô hình khác nhau phù hợp với điều kiện của từng địa phương, điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp chế biến chủ động nguồn nguyên liệu, kiểm soát chất lượng và đáp ứng xuất xứ cho sản phẩm xuất khẩu mà còn phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, tại Sóc Trăng, không chỉ các doanh nghiệp lớn có kế hoạch mở rộng phát triển trong những năm tới mà nhiều doanh nghiệp mới cũng bắt tay đầu tư vào ngành tôm. Điều này sẽ khiến gia tăng cạnh tranh nhưng cũng là động lực đưa Sóc Trăng sớm thành vùng trọng điểm tôm của cả nước.
Cũng theo ông Lực, hầu hết doanh nghiệp ngành tôm đều đã nhìn rõ cơ hội để tăng tốc, song để có thể nắm bắt cơ hội đó và duy trì sự phát triển bền vững cần có sự chuẩn bị đồng bộ, trong đó, một yếu tố cực kỳ quan trọng là truy xuất nguồn gốc gắn liền với cấp mã số cơ sở nuôi.
"Các doanh nghiệp chỉ đầu tư nhà máy, mở rộng vùng nguyên liệu là chưa đủ mà cần chủ động chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ cơ quan quản lý thúc đẩy việc cấp chứng nhận vùng nuôi càng sớm càng tốt để ngành tôm rộng đường "bơi" ra biển lớn" - ông Lực nhấn mạnh,
Theo các chuyên gia, dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng lĩnh vực thủy sản vẫn có lợi thế nhất định, thị trường thủy sản sẽ sớm sôi động trở lại, đặc biệt vào giai đoạn 6 tháng cuối năm. Cần chú trọng đến công tác quản lý sản xuất và quản lý giống tôm nuôi phù hợp, kiểm soát tốt dịch bệnh và bảo đảm chất lượng con giống cung cấp, tránh rủi ro về khâu sản xuất để ổn định nguồn cung, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, cần tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường thông qua tăng khả năng cung ứng để bù đắp sản lượng thiếu hụt do các quốc gia cung ứng khác đang chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19; tăng năng lực cạnh tranh và thị phần ở các thị trường lớn và chiến lược, như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh…
Có thể nói, những thuận lợi cả về chủ quan lẫn khách quan và sự chủ động chuyển mình của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tôm được kỳ vọng đưa ngành tôm cán đích mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm 2021. Quy mô thị trường tôm toàn cầu dự báo sẽ tăng lên 64,53 tỷ USD vào năm 2026, là "đòn bẩy" cho tôm Việt tăng trưởng xuất khẩu. Nếu duy trì được đà phát triển như hiện nay, chỉ ít năm nữa ngành tôm có thể giành vị trí "ngôi vương" là điều hoàn toàn có thể kỳ vọng.