Siêu thị khẳng định hàng hóa đầy ắp, người mua luôn kêu thiếu, tại sao?
(DNTO) - Hình ảnh những quầy kệ siêu thị, cửa hàng thực phẩm trống trơn, người tiêu dùng đặt 3 ngày không thấy giao hàng... là thông tin chúng ta thấy những ngày qua. Trong khi đại diện các hệ thống siêu thị, Giám đốc, Phó giám đốc Sở Công thương đều khẳng định hàng hóa dồi dào, không thể thiếu.
Vấn đề nằm ở đâu?
Công việc tăng lên còn nhân viên giảm đi
Mấy ngày trước, trên trang thông tin nội bộ của Saigon Co.op, ông Võ Trần Ngọc – Giám đốc Trung tâm phân phối Thực phẩm tươi sống Bình Dương (Trung tâm phân phối Bình Dương) có bài chia sẻ NHỮNG NGÀY KHÔNG NGỦ.
Trong bài chia sẻ này có những đoạn "Trong những ngày qua, hàng ngàn cán bộ nhân viên hệ thống các điểm bán lẻ của Saigon Co.op đang căng mình tiếp nhận đơn hàng, soạn hàng giao khách, nhưng ít ai biết rằng để đảm bảo nguồn hàng hóa kịp thời chuyển đến siêu thị còn có hàng trăm con người tại Trung tâm phân phối Thực phẩm tươi sống Bình Dương đang gồng mình làm việc như một chiếc máy, mỗi ngày chỉ có thể chợp mắt được 3 – 4 tiếng đồng hồ mà thôi".
Ông còn viết, "Suốt tuần qua, anh em mỗi người chỉ ngủ được vài tiếng rồi lại ngồi dậy làm việc, có đứa làm suốt 18 tiếng đồng hồ đến khi kiệt sức mới chịu đi nghỉ, khỏe được một chút thì lại lao vào công việc.”
Cũng theo ông Ngọc, Trung tâm phân phối Bình Dương là một trong những kho hàng tập trung của Saigon Co.op, dự trữ và phân phối hàng thủy hải sản, rau củ quả, hàng đông lạnh, hàng sơ chế đóng gói cung ứng cho hàng trăm siêu thị Co.opmart, Co.op Food trong hệ thống.
So với thời điểm trước dịch Covid, lượng hàng tập kết tại trung tâm hiện đã tăng 400%, trong đó ưu tiên cho nhóm hàng thủy hải sản – thịt – rau củ quả. Mỗi ngày có đến 600 xe vận chuyển hàng có tải trọng từ 2 tấn – 5 tấn chạy suốt lấy hàng từ các tỉnh: Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Phước, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, riêng TP.HCM dùng xe có tải trọng lên đến 12 tấn lưu thông vận chuyển hàng.
Không chỉ ở trung tâm phân phối, tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, hoạt động của nhân viên các bộ phận cũng căng thẳng không kém. Lượng người tới các hệ thống siêu thị có những thời điểm, có những ngày tăng gấp nhiều lần so với trước, số lượng đơn hàng online trên các ứng dụng cũng tăng gấp 4-5 lần.
Trang website và app bán hàng luôn trong tình trạng quá tải, khiến các đơn vị bán lẻ phải ra thông báo tạm ngưng phục vụ nhiều lần trong ngày.
Cách đây một ngày, khi nói về sự quá tải này, một đại diện của Saigon Co.op cho biết, các đơn hàng online qua web và app tăng khoảng 30%. Theo đó, những đơn hàng online được các siêu thị giao hàng thành công là hơn 70% và đang được Saigon Co.op tập trung tăng cường đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.
“Do không phải là đơn vị chuyên doanh online và bất ngờ với sức mua đổ dồn về tột độ nên đơn vị cũng mong người dân thông cảm những bất tiện, chậm trễ; các đơn hàng sẽ lần lượt đáp ứng đầy đủ“, vị đại diện này nói.
Cũng theo vị này, hiện số lượng nhân sự của Saigon Co.op tại TP.HCM chưa đến 10.000 người nhưng đang phục vụ ước tính cho 3 đến 5 triệu người dân thành phố. Ngoài phục vụ tại siêu thị, bán hàng online, hệ thống siêu thị còn chịu trách nhiệm cung cấp hơn 10.000 suất ăn và nhu yếu phẩm cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
Hệ thống Tops Market và đại siêu thị GO!/ Big C phải tăng cường nhân viên từ những cửa hàng khác nhằm hỗ trợ cho các siêu thị đảm bảo việc vận hành các cửa hàng được diễn ra thường xuyên, liên tục, và tăng thời gian phục vụ đến 23g hàng ngày.
Nhà bán lẻ Satra cũng đã phải huy động tất cả nhân viên tại chỗ và cả khối văn phòng để hỗ trợ đi chợ giùm, sắp xếp quầy kệ, hỗ trợ khai báo y tế cho khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó tổng giám đốc VinCommerce cũng cho biết, giai đoạn dịch diễn biến căng thẳng, là hệ thống bán lẻ có quy mô hơn 2.500 cửa hàng VinMart/VinMart+ trên toàn quốc, đơn vị gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa đến người dân. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính là tỷ lệ nhân viên bán hàng xin nghỉ do lo sợ dịch bệnh; thêm đó là nhân viên thiếu hụt do bị cách ly, nằm trong khu vực phong tỏa, khiến VinCommerce gặp khó khăn trong việc huy động nhân sự.
Lưu thông hàng hóa không thuận lợi, chi phí xét nghiệm tăng
Cùng với khó khăn trong điều phối, tìm nguồn nhân sự, theo đại diện các hệ thống siêu thị, những ngày đầu TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, việc hàng hóa chậm về kho, chậm lên kệ cũng còn bởi việc lưu thông không được thuận lợi bởi quy định chứng nhận xét nghiệm âm tính Covid-19 trong thời hạn 3 ngày.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc Vận hành VinMart Miền Nam cho biết, hàng hóa vào VinMart/VinMart+tại TP.HCM hiện phải có giấy phép lưu hành của các cơ quan chức năng cấp và tài xế cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính Covid-19 trong thời hạn 3 ngày. Do giấy chứng nhận xét nghiệm có thời hạn quá ngắn, quy trình xét nghiệm mất thời gian nên đây là nguyên nhân gây khó khăn chính cho công tác lưu thông hàng hoá.
Một số nhà cung cấp ở các tỉnh xa vào TP.HCM cũng không chuẩn bị kịp các thủ tục xét nghiệm nên bị lưu giữ lại các chốt kiểm dịch.
Theo đại diện của hệ thống siêu thị MM Mega Market, các nhà vận chuyển đang gặp một số khó khăn nhất định như tài xế phải chờ xét nghiệm, hoặc đang trong khu vực phong tỏa dẫn đến không đủ tài xế để giao hàng. Hiện nay, các bệnh viện đều quá tải xét nghiệm, tài xế phải xếp hàng chờ cả ngày và chi phí xét nghiệm tăng cao. Kết quả test thì từ 12 đến 24 giờ mới có, trong khi hiệu lực test chỉ có giá trị trong vòng 3 ngày.
Đồng thời, các tỉnh như Bắc Ninh yêu cầu tài xế vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm PCR có giá trị trong vòng 72 giờ đồng hồ. Tài xế giao hàng từ miền Nam ra tới Bắc Ninh thì giấy xét nghiệm đã hết hạn, phải đi xét nghiệm lần nữa. Khi đi các tỉnh Đà Nẵng, Cần Thơ, Bạc Liêu đều không cho xe vào giao hàng mặc dù tài xế có xét nghiệm PCR và có giấy đi đường của MM.
Vị này cũng cho biết, hiện nay Sở Giao thông Vận tải đang cấp QR code, lượng xe đăng ký là 309 nhưng chỉ mới phân nửa số xe được cấp mã QR. Do đó dẫn đến chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao và thời gian giao hàng bị trễ so với dự kiến.
Trước những khó khăn này, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những động tác để việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn. Sở Công thương cũng tăng cường chỉ đạo các đơn vị bán hàng lưu động hoặc xem xét việc cho quầy hàng rau, củ, quả tại chợ đầu mối hoạt động trở lại.
Đồng thời, nhận thấy công suất hoạt động của hệ thống các siêu thị đã quá tải, vượt sức, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, tại cuộc họp trực tuyến sơ kết 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16 ở TP.HCM vào chiều 15/7 cho biết, hiện sở đã huy động các doanh nghiệp, công ty bưu chính, giao hàng, doanh nghiệp logistic… hỗ trợ bổ sung thêm 1.000 điểm bán hàng.