Cung ứng hàng hóa tại TP.HCM rất căng thẳng, các tỉnh miền Tây nguy cơ thiếu hàng siêu thị
(DNTO) - Do lượng người vào siêu thị mua hàng dự trữ tăng cao, nên dù bổ sung hàng liên tục, các siêu thị tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây vẫn trong tình trạng thiếu hàng cục bộ.
Thông tin từ Tổng Cục Quản lý thị trường cho hay, tại TP.HCM, việc cung ứng hàng hoá rất căng thẳng. Ngay từ sáng 14/7, người dân đổ xô đến các siêu thị để mua hàng thực phẩm do có tin đồn thành phố sẽ bị phong toả từ ngày 15/7.
Nhiều siêu thị phát phiếu hẹn cho khách đến mua hàng, nhưng do lượng người dân có nhu cầu vào siêu thị quá đông, nên có rất nhiều người không nhận được phiếu hẹn do siêu thị không thể phục vụ.
Ở một số siêu thị không phát phiếu hẹn, có hàng trăm người xếp hàng để vào mua hàng. Lượng người mua lớn nên mặc dù có nguồn hàng dự trữ, được bổ sung lên kệ liên tục nhưng đến chiều, nhiều siêu thị đã hết các loại rau, củ, trứng, bún, nui.
Đến tối 14/7, rất nhiều người dân chưa vào được siêu thị để mua hàng. Một số hộ dân bán các loại rau, củ, quả, trứng với giá cao hơn siêu thị 30%-50%. Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, không loại trừ nguồn hàng này mua từ siêu thị mang ra bên ngoài bán.
Tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam bộ có nguy cơ thiếu hàng tại siêu thị do các kho trung chuyển của các hệ thống bán lẻ ở miền Tây đều đặt tại thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên tài xế phải xét nghiệm nhanh Covid-19, nhưng hiện nay bên y tế không xét nghiệm, không có chỗ xét nghiệm. Trong khi đó, quy định yêu cầu tài xế ở Cần Thơ phải ra thay tài xế của xe từ TP.HCM về để vận chuyển hàng hóa vào Cần Thơ. Quy định này không nhận được đồng thuận của tài xế và một số xe đã quay ngược về lại TP.HCM do giấy xét nghiệm của các tài xế đã hết hạn, chưa có nơi để đăng ký xét nghiệm lại.
Tại tỉnh Đồng Nai, đến sáng 15/7, sức mua của người dân đã ổn định hơn so với những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, trên thị trường hiện tại không có tình trạng gom hàng đầu cơ. Nhóm hàng rau củ, quả, thịt cá vẫn trong tình trạng nhu cầu cao, sức tiêu thụ rất nhanh. Nguồn cung gạo dồi dào đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng trên địa bàn, giá cả một số địa bàn tăng nhẹ 200 - 500đ/kg.
Mì ăn liền được người dân mua với số lượng lớn, một số nơi còn ít hàng do chưa kịp phân phối, giá cả không thay đổi. Riêng mặt hàng mì Hảo Hảo tại một số địa phương có khan hiếm do nhu cầu của người dân lớn, các cơ sở kinh doanh chưa kịp nhập hàng. Nhóm hàng rau xanh nguồn cung dồi dào, giá cả tăng từ 5.000 – 10.000đ/kg so với trước khi giãn cách do thương lái tăng giá.
Các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay, sức mua có tăng nhẹ so với bình thường, nguồn cung dồi dào, giá cả không thay đổi.
Tại tỉnh Bình Dương, tình hình cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá... ổn định. Giá cả một số mặt hàng đã giảm từ 10% đến 40% so với những ngày trước, sức mua và bán cũng giảm khoảng 50% do tiểu thương tại các chợ truyền thống và người tiêu dùng phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Sức mua hàng hóa của người tiêu dùng tại các siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện áp dụng kinh doanh qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, đặt hàng online, app đặt hàng qua Grab tăng khoảng 70%.
Tại tỉnh An Giang, chiều 14/7, tuy có thông báo thực hiện Chỉ thị 16, nhưng không có tình trạng người dân đổ xô đến chợ mua hàng, không có việc mua gom hàng, găm hàng, nâng giá làm bất ổn thị trường. Giá hàng tăng nhẹ khoảng 5%-10%.
Tại tỉnh Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 15/7, ngày thứ 2 thực hiện Chỉ thị 16, sức mua tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trở lại bình thường, một số nơi vắng khách, hàng hóa được cung ứng đủ, giá cả ổn định.
Tại các tỉnh khác, do lo ngại tình hình dịch Covid-19 nên người dân cũng tăng mua các loại thực phẩm thiết yếu, nhìn chung thị trường vẫn đảm bảo cung ứng, giá các loại rau, củ, quả, trứng tăng 10%-50%.
Lực lượng quản lý thị trường các địa phương tích cực giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.