'Vua Tôm' Minh Phú ở đâu trong tham vọng của mình?
(DNTO) - Quý 1 năm nay, Minh Phú mới chỉ đạt được 2% kế hoạch lợi nhuận của năm 2021. Điều này cho thấy khó khăn và thách thức không phải là nhỏ với một doanh nghiệp có nhiều kế hoạch và mục tiêu phía trước.
Một quý nhiều chông gai
Quý 1/2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán: MPC) đã có một quý làm ăn nhiều khó khăn khi chứng kiến mức lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng so với năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính quý 1 công ty vừa công bố, doanh thu thuần từ bán hàng và dịch vụ trong quý đạt 2.809 tỷ đồng, giảm 1% so với quý 1 năm ngoái. Trong khi đó, chi phí bán hàng lại tăng vọt, từ 129 tỷ đồng lên 174 tỷ đồng, tăng 34%, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty này giảm 54% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ còn lại 26 tỷ đồng.
Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả quý là 35 tỷ đồng, giảm 49% so với quý 1 năm ngoái, và giảm 78% so với quý liền trước.
Kết quả, ba tháng đầu năm nay, Minh Phú chỉ thu về được 22 tỷ đồng lãi ròng, một kết quả quá khiêm tốn so với con số lợi nhuận 142 tỷ của quý liền trước.
Nhìn lại mục tiêu mà doanh nghiệp này đặt ra cho năm 2021 là gần 15.800 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% và 1.400 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng gấp đôi so với năm 2020, có thể thấy kết quả trên mới đạt được 18% mục tiêu doanh thu và gần 2% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đến hết tháng 3 vừa qua, tổng nợ phải trả của "Vua Tôm" lên tới 2.967 tỷ đồng, con số này đã giảm 18% so với 3.613 tỷ đồng giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lại ở mức 2.551 tỷ đồng, chiếm 86% tổng nợ doanh nghiệp. Điều này cho thấy áp lực không nhỏ với doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tham vọng lớn
Năm nay, trong định hướng của mình, Minh Phú sẽ tiếp tục mở rộng các vùng nuôi tôm, đổi mới con giống và công nghệ nuôi. Tính đến cuối năm 2020, công ty đã tự nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2-N-4, vận hành hiệu quả tại 2 vùng nuôi: Minh Phú Kiên Giang (600 hecta) và Minh Phú Lộc An (300 hecta), đồng thời hướng đến mô hình nuôi tôm bền vững.
Năm nay, "Vua Tôm" đang chuẩn bị nhiều kế hoạch lớn. Thông tin từ doanh nghiệp này cho hay, Minh Phú hiện có kế hoạch xây dựng Nhà máy Chế biến Thủy sản Minh Phát tại Khu công nghiệp Khánh An (Cà Mau), dự kiến khởi công trong tháng 5 này và sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 5 năm sau. Dự án có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, quy mô công suất là 30.000 tấn/năm.
Ngoài ra, cũng trong năm nay, Minh Phú sẽ còn mở rộng xưởng tẩm bột của Nhà máy Minh Phú, Hậu Giang, với chi phí khoảng 360 tỷ đồng, dự kiến bằng nguồn vốn vay ngân hàng. Dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay và đầu năm 2022 sẽ đi vào hoạt động.
Trong khi đó, doanh nghiệp này cũng không ngừng tăng vốn cho các công ty con của mình. Cụ thể, riêng trong 3 tháng đầu năm nay, tập đoàn đã liên tục rót vốn cho Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang hơn 600 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 398 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 235 tỷ đồng).
Ngoài ra, công ty còn tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Chuỗi cung ứng thủy sản Minh Phú từ 2 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng.
Được biết, tính đến cuối tháng 3, tiền và các khoản tương đương tiền còn lại với doanh nghiệp này là 623 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia của công ty chứng khoán Phú Hưng, những rủi ro của doanh nghiệp này trong thời gian tới không phải là nhỏ, đặc biệt ở hai vấn đề lớn: nguồn nguyên liệu đầu vào và từ biến động tỷ giá.
Về nguồn nguyên liệu, do ''tỷ lệ tự chủ của Minh Phú chỉ ở mức 10%, 90% còn lại vẫn phải thu mua bên ngoài, do đó, Minh Phú vẫn phải chịu ảnh hưởng từ việc giá tôm nguyên liệu biến động thất thường''. Đặc biệt, công ty sẽ phải đối mặt với thực trạng ''khan hiếm nguồn nguyên liệu hay khả năng kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào''.
Ngoài ra, ''với việc xuất khẩ̉u là hướng kinh doanh chính của công ty và lượng ngoại tệ thu về chủ yếu là đồng đô la và đồng Yên Nhật, với hai thị ̣ trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản, chiếm hơn 50% tỷ trọng các quốc gia mà Minh Phú xuất khẩu, thì việc biến động tỷ giá hối đoái cũng sẽ là rủi ro đáng quan tâm đối với MPC'' - chuyên gia của Phú Hưng nhận định.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặt hàng tôm có nhiều tín hiệu tốt trong thời gian tới. Dự báo, xuất khẩu thủy sản trong quý 2/2021 sẽ tiếp đà tăng trưởng khoảng 10% và đạt kim ngạch khoảng 2,1 tỷ đô la, trong đó mặt hàng tôm được dự báo sẽ tăng trưởng 10%, đạt 980 triệu đô la.