Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đón đầu cơ hội tăng mạnh từ tháng 3
(DNTO) - Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo sẽ tăng mạnh từ tháng 3 khi các thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam bắt đầu tăng cao. Để không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp đã mạnh tay tập trung đầu tư về chất lượng, thương hiệu gạo bằng một chiến lược thị trường bài bản.
Nhiều đột phá về giá và "cầu"
Từ đầu tháng 2, các doanh nghiệp lúa gạo đã liên tục đón nhận tin vui khi thị trường hồi phục. Điều này giúp giá trị xuất khẩu của ngành lúa gạo tăng trưởng mạnh. Thông tin từ Tổng cục Hải Quan, từ đầu năm đến 15/2, cả nước đã xuất khẩu được 647.763 tấn gạo, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước với kim ngạch gần 314 triệu USD, tăng 19,6%.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo Việt Nam cập nhật đến 28/2, tiếp tục giữ ưu thế ở mức 393 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, 373 USD/tấn đối với gạo 25% tấm và 328 USD/tấn đối với gạo 100% tấm. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan tiếp tục giảm 4 USD/tấn xuống còn 405 USD/tấn, Pakistan giảm 5 USD/tấn xuống còn 348 USD/tấn.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Ngày 20/2 vừa qua, công ty đã xuất toàn gạo thơm, gạo chất lượng cao và giá xuất từ 600 - 1.000 USD/tấn đi 5 quốc gia. Đây là một tín hiệu mừng khi gạo sạch Việt đang bán với giá ngang ngửa gạo Thái Lan. Điều này cho thấy chất lượng gạo Việt Nam đang được đánh giá cao.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) cũng cho biết, ước tính 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ xuất khẩu gạo của doanh nghiệp tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, hiện nay, nhu cầu nhập khẩu gạo đang tăng cao của Trung Quốc sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam trong thời gian tới.
Số liệu của Bộ nông nghiệp Mỹ (UDA) cho thấy, dự tính đến giữa năm 2022, Trung Quốc sẽ tích trữ đến 60% lượng gạo. Còn theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính khiến giá cả lương thực leo thang lên mức cao nhất 10 năm qua trên toàn cầu.
"Với Trung Quốc, đảm bảo an ninh lương thực là yếu tố cốt lõi nhằm giữ ổn định xã hội, kinh tế cũng như không bị phụ thuộc vào các quốc gia như Mỹ trong bối cảnh hậu đại dịch. Điều này củng cố rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu lương thực, đặc biệt là mặt hàng lúa gạo trong năm 2022, khiến giá gạo sẽ tăng cao", các chuyên gia nhận định.
Doanh nghiệp nắm bắt thời cơ
Trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng, giảm số lượng gạo xuất khẩu và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đây chính là định hướng đúng đắn về tái cơ cấu ngành lúa gạo, làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo sang chiều sâu.
Xác định bằng mọi cách phải tối ưu hóa chi phí và nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo trên thị trường, nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư "vốn khủng" và bài bản cho lúa gạo xuất khẩu thay vì tập trung vào số lượng như trước đây.
Đơn cử, ngày 9/2, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã thành lập 2 công ty thành viên và ký kết mua bán - tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa trị giá hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2022 với các công ty, đại lý nông sản, các ngân hàng.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết đó là minh chứng cho sự tin tưởng của các đối tác trong nước và quốc tế đối với mô hình kinh doanh tổ chức sản xuất quy mô lớn theo đơn hàng. Qua đó, Lộc Trời có thêm nguồn lực để mở rộng vùng nguyên liệu được tổ chức sản xuất theo quy trình canh tác không sử dụng tiền mặt và nông dân liên kết được tặng hạt giống miễn phí...
Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu 50.000ha lúa tại An Giang và Kiên Giang đạt quy chuẩn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng và gắn với doanh nghiệp tiêu thụ.
"Với việc cấp mã số vùng trồng cùng với việc đào tạo cho nông dân và liên kết với doanh nghiệp thì đây sẽ là nền tảng để chúng ta sản xuất lúa gạo ổn định và bền vững", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.