Chủ động nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp cá tra đặt mục tiêu 'mang về' 1,7 tỷ USD năm 2022
(DNTO) - Bức tranh thị trường xuất khẩu cá tra được nhận định đang sáng dần, điều này giúp ngành cá tra khởi sắc hơn trong năm 2022. Theo đó, để có nhiều cơ hội cho cá tra "bơi" ra biển lớn, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, không để thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
“Điểm sáng” tại thị trường Trung Quốc, Mỹ
Nhận định về năm 2022, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng, sản lượng cá tra sẽ tương đương năm 2021, tức là khoảng trên dưới 1,5 triệu tấn. Trừ đi khoảng 300 - 400 nghìn tấn tiêu thị nội địa, thì còn khoảng hơn 1 triệu tấn cho chế biến xuất khẩu.
Về xuất khẩu, hy vọng thị trường Trung Quốc trong năm 2022 sẽ ổn định trở lại. Bởi sự sụt giảm mạnh về nhập khẩu cá tra vào Trung Quốc trong năm 2021 chủ yếu do Trung Quốc tăng cường kiểm soát Covid-19 với thủy sản đông lạnh nhập khẩu gây ra tình trạng đình trệ kéo dài ở các cảng nhập khẩu.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cá tra ở thị trường Trung Quốc vẫn cao. Thông tin từ một số cơ quan truyền thông ở Trung Quốc cho thấy, nước này đang có nguy cơ bị thiếu hụt cá tra cho nhu cầu trong Tết Nhâm Dần 2022 sau khi cửa khẩu Đông Hưng (Quảng Tây) ngừng thông quan do yêu cầu phòng chống Covid-19.
"Do đó, nếu thị trường Trung Quốc được ổn định hơn trong năm 2022, thì xuất khẩu cá tra nói chung sẽ có thêm cơ hội để tăng trưởng so với năm 2021. Trung Quốc có thể vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra trong năm 2022", ông Hòe nhận định.
Với thị trường Mỹ, Tổng thư ký VASEP dự báo xuất khẩu cá tra năm 2022 sẽ ổn định và khó có sự tăng trưởng đột biến như 2021. Thị trường EU và Anh cũng được dự báo tương tự. Trong khi đó, Mexico, Brazil, Colombia, Nga và Ai Cập (tăng 44 - 84% trong 11 tháng), là các thị trường có thể được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.
"Bức tranh thị trường đang sáng dần lên, hy vọng sẽ giúp ngành cá tra khởi sắc hơn trong năm 2022 với sự nỗ lực thích ứng của doanh nghiệp dưới cơ chế, quyết sách hỗ trợ và linh hoạt của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Với sự lạc quan đó, năm 2022, kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ mang về kim ngạch 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021", ông Trương Đình Hòe kỳ vọng.
Tăng tốc sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu từ đầu năm
Mặc dù xác định năm 2022 sẽ rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu ngành hàng cá tra, nhưng các doanh nghiệp kỳ vọng, với những kinh nghiệm trong năm 2021 sẽ giúp họ tự tin đặt ra kế hoạch và hiện thực hóa mục tiêu cao hơn cho năm 2022.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã đặt nhiều mục tiêu trong năm 2022 để phục hồi, phát triển ngành cá tra. Theo đó, diện tích thả nuôi cá tra toàn tỉnh đạt 2.150 ha, tăng 8,1% so với năm 2021, sản lượng dự kiến 480.000 tấn, tăng 4%…
"Để đạt các mục tiêu này, Đồng Tháp sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành cá tra, trong đó tập trung phát triển các chuỗi liên kết vùng, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao sản phẩm giá trị gia tăng. Đồng thời, triển khai thực hiện đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao trên địa bàn nhằm cung cấp nguồn con giống chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm; tiếp tục rà soát vùng quy hoạch nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn...để giúp ngành cá tra trỗi dậy trong năm 2022", ông Thiện thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho hay, trên cơ sở phục hồi và phát triển thủy sản, sản lượng cá tra năm 2022 phấn đấu đạt gần 430.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với năm 2021. Ngành nông nghiệp An Giang sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản thành lập chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm cá tra.
"Các công đoạn nuôi trồng và chế biến đều phải được đào tạo, huấn luyện, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Các vùng nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật mới để hạn chế dịch bệnh và hao hụt, giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ cá tra giữa doanh nghiệp và hộ nuôi, bảo đảm khẩn trương sản xuất nhiều đơn hàng thành phẩm cá tra các loại để kịp giao cho các đối tác trên thế giới", ông Lâm cho hay.
Đơn cử, ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt (An Giang), cho hay, ngay trong tháng 1/2022, Nam Việt dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 8.000 tấn thành phẩm cá tra các loại, sang khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng giá trị 20 triệu USD, tăng từ 60-70% so cùng kỳ. Cùng với việc gia tăng mạnh về sản lượng xuất khẩu thì giá cá tra đợt này cũng tăng lên mức bình quân từ 2,6-2,7 USD/kg (cao hơn giá bình quân của năm 2021 là 2,3-2,4 USD/kg).
“Thuận lợi hiện nay là nguồn nguyên liệu nguồn nguyên liệu của tập đoàn khá ổn định nhờ vùng nuôi rộng tới 1.000ha; cùng với lực lượng công nhân trở lại làm việc đầy đủ, tất cả đều được tiêm vaccine ngừa Covid-19, nên tập đoàn đẩy mạnh chế biến xuất khẩu…”, ông Nghiệp nói.
Đặc biệt, để hỗ trợ nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu cá tra, năm 2022, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Tổng cục Thủy sản đang đẩy mạnh chỉ đạo tổ chức sản xuất giống, vật tư đầu vào phục vụ nhu cầu thả nuôi trong các tháng đầu năm 2022 để đảm bảo nguyên liệu, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
"Hiện nay, các tỉnh Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp là những vùng nuôi cá tra lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 75% tổng sản lượng cá tra cả nước đang tự kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu theo hướng sản xuất bền vững theo chuỗi", ông Luân thông tin.