Xuất khẩu 'bật tăng' trở lại, doanh nghiệp cá tra vẫn thấp thỏm với lợi nhuận
(DNTO) - Sau thời gian "tê liệt" vì Covid-19, xuất khẩu cá tra bắt đầu hồi sinh trở lại khi kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm tăng 1,3% so cùng kỳ. Song, áp lực tăng giá nguyên liệu vật tư đầu vào, cùng thời gian nuôi kéo dài làm chi phí sản xuất tăng cao là vấn đề "nóng" khiến doanh nghiệp đau đầu với bài toán lợi nhuận.
Tín hiệu khởi sắc từ thị trường xuất khẩu
Năm 2021 là một năm chồng chất khó khăn với những người nuôi cá tra. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian giãn cách kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất của ngành cá tra, đầu vào khó khăn, tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, vượt lên trên khó khăn, kim ngạch xuất khẩu cá tra 11 tháng đầu năm nay vẫn đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEPPRO, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), ngay sau khi Nghị quyết 128 được ban hành, từ tháng 11/2021 (thời điểm mở cửa trở lại sau giãn cách), xuất khẩu cá tra bắt đầu tăng trưởng trở lại sau thời gian 3 tháng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tê liệt vì Covid-19.
"Thị trường Mỹ chiếm 22% tỉ trọng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường, nhu cầu nhập khẩu cá tra tăng mạnh sau chiến dịch tiêm vaccine và gói phục hồi kinh tế của quốc gia này. Thị trường Brazil và Mexico có tăng trưởng tích cực, bù đắp sụt giảm những thị trường chủ lực như Trung Quốc, Châu Âu (EU)", bà Lê Hằng thông tin.
Phân tích về sự khó đoán định của thị trường Trung Quốc, bà Hằng cho rằng, do Trung Quốc vẫn kiên định kiểm soát chặt thủy sản, khiến xuất khẩu thuỷ sản từ tháng 4 đến tháng 10/2021 đã giảm sút liên tục từ 5-61%.
Tuy nhiên, bà Hằng cũng cho rằng, năm 2022, vẫn hy vọng có thể đạt kết quả khả quan hơn năm 2021 vì các doanh nghiệp Việt Nam đã dần thích ứng với những rào cản của thị trường này. Điều này thể hiện ở con số xuất khẩu cá tra tháng 11/2021 sang Trung Quốc đã tăng tới 79%.
Còn với thị trường EU, mức tăng trưởng vẫn không khởi sắc từ khi có dịch Covid-19 nên rất khó kỳ vọng đạt mức tăng cao trong năm 2022.
“Dự báo xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỉ USD, tăng nhẹ 3% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ phục hồi nhẹ với mức tăng khoảng 7% đạt 1,65 tỉ USD”, bà Hằng nhận định.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ các Hiệp định Thương mại tự do tiếp tục là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường, nhất là những thị trường nhỏ tiềm năng như Mexico, Brazil, Nga, Colombia, Thái Lan…
"Mắc kẹt" giữa chi phí và nguyên liệu
Dù xuất khẩu cá tra tăng cả về lượng và giá trị, nhưng người nuôi vẫn khó có lãi là do thời gian qua không bán được, cá phải để trong ao khiến chi phí thức ăn đội lên.
Cụ thể, hiện giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL ở quanh mức 23.500 - 24.000 đồng/kg, tăng 5.00 - 2.000 đồng/kg so với những tháng trước đó, đồng thời đã cao hơn giá thành sản xuất sau cả năm trời ở dưới mức này.
Tuy nhiên, phản ánh từ các doanh nghiệp, giá thức ăn thủy sản liên tục tăng đội giá thành sản xuất tăng theo trong khi giá bán cá nguyên liệu thấp hơn giá thành đã làm không ít hộ nuôi thua lỗ nặng, treo ao khiến lượng cá giống sụt giảm.
Bên cạnh đó, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản của Tổng cục Thủy sản cho biết, diện tích thả nuôi cá tra trong các tháng, 8, 9,10 giảm từ 30- 55% so với cùng kỳ năm 2020, do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, chính là nỗi lo cho ngành cá tra thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trong năm sau.
Chiến lược dài hơi để ngành cá tra vượt "sóng dữ"
Để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho hộ nuôi cá tra, doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay vì từ cuối năm 2019 đến nay, ngành hàng cá tra gặp nhiều khó khăn, hầu như các doanh nghiệp, hộ nuôi bị thua lỗ. Đến nay, thị trường đã có bước hồi phục và có tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hội nuôi để có điều kiện sản xuất cuối năm và chuẩn bị cho năm 2022.
Ông Quốc cũng cho rằng, muốn ngành hàng cá tra phát triển bền vững, cần xây dựng các chuỗi liên kết để cùng chia sẻ lợi nhuận, khi có biến động về thị trường, các hộ nuôi, các doanh nghiệp sẽ vượt qua được khó khăn.
“Hiện nay nên khuyến khích thành lập mô hình Hợp tác xã để đại diện cho các hộ nuôi. Các vùng nuôi của doanh nghiệp tính toán chiếm khoảng 70%, còn 30% các hộ nuôi cá thể, do đó, cần xây dựng hợp tác xã để có đầu mối ký hợp đồng với doanh nghiệp để thuận lợi hơn, tăng vai trò của hợp đồng, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”, ông Quốc đề xuất.
Ngoài ra, ông Quốc cho rằng cần có chính sách hỗ trợ cho cơ sở ương nuôi giống, nuôi giống bố mẹ tập trung để phục vụ cho nhu cầu năm 2022 về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu. Ông Quốc kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng với các tỉnh xây dựng vùng sản xuất giống tập trung, áp dụng quy định về nâng cao chất lượng con giống. Đồng thời, cần tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, các tổ hợp tác các chính sách xây dựng kênh thương mại điện tử, thích ứng với tình hình sản xuất khi dịch Covid-19 vẫn được dự báo ảnh hưởng trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong giai đoạn tới, việc sản xuất cần gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu, phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường. Thứ nữa, cần quan tâm đến cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển các vùng nuôi liên kết gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụ.
"Đề nghị các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan khẩn trương thực hiện các quy định của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như: giảm giá điện, hỗ trợ vốn, lãi suất vay, thuế… Các Hiệp hội, doanh ngiệp và và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh, tích cực xây dựng thương hiệu cho ngành hàng, đồng thời, đẩy mạnh bán hàng theo hình thức thương mại điện tử", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu.
Đặc biệt, với vai trò "Tư lệnh" ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, với tình hình dịch Covid-19 được dự báo có những diễn biến khó lường trong năm 2022 cũng cần đòi hỏi ngành hàng cần rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong việc ứng phó trong thời gian vừa qua và sẵn sàng các giải pháp để thích ứng trong mọi hoàn cảnh, đưa ngành hàng cá tra trở thành “điểm sáng” trong năm 2022.
"Đây là dịp 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thử nghiệm liên kết vùng theo Nghị quyết 120, mở rộng phát triển không gian kinh tế vùng. Đối với chuỗi ngành hàng cá tra cần phải liên kết thành một thực thể kinh tế", Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.