Giá cước vận tải 'đè nặng', doanh nghiệp chật vật giữ thị trường
(DNTO) - Hiện nay, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu như “ngồi trên đống lửa” khi giá cước vận tải biển tăng phi mã, khiến chi phí bị đội lên cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, thậm chí có nguy cơ bị mất khách hàng, thị trường lớn, nhất là khi nhu cầu hàng hóa đang tăng cao dịp cuối năm.
Lo mất thị trường vì không đủ hàng xuất khẩu
Báo cáo cập nhật ngành logistics của SSI Research công bố mới đây, giá cước container và vận tải biển đã tăng gấp 4 lần mức trước dịch. Đặc biệt, ở một số tuyến nhu cầu vận tải cao, giá cước thậm chí đã tăng tới 9-10 lần trong vòng 1 năm qua.
Cụ thể, cước vận chuyển đi EU năm 2020 ở mức 800 - 1.200 USD cho 1 container 40 feet, nhưng hiện nay là trên 11.000 USD, tăng 12 - 13 lần. Cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000 - 3.000 USD cho 1 container 40 feet vào đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tăng 5 - 6 lần. Thậm chí, cước vận chuyển một container 40 feet đi NewYork (Mỹ) bằng đường biển cao nhất hiện nay là gần 20.000 USD.
“Giá cước tàu biển tăng và hiện tại đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Nếu cứ đà này chúng tôi chắc chắn phải đóng cửa, vì thời gian qua chúng tôi đã gắng gượng lắm rồi", ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp (Gia Lai) bức xúc.
Ông Hiệp cho hay, giá cước mỗi container (40 feet) đi châu Âu sau dịch 7.000-8.000 USD/container, hiện nay đã tăng 8-10.000 USD/container. Trong khi đó, mỗi tháng công ty của ông xuất khẩu 10.000 tấn cà phê, chủ yếu đi Mỹ và EU. Vì vậy, chi phí đội lên rất cao. Nguyên nhân cước phí tăng cao là do thiếu container rỗng. Tình trạng này đã kéo dài từ khi dịch bùng phát, song mức độ thiếu ngày càng nghiêm trọng bởi khi dịch tạm lắng, nhu cầu vận chuyển tăng mạnh nên càng khan hiếm.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (TPHCM) cho biết, hiện cước phí logistics đã vượt ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp và cũng là bài toán khó đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
“Chúng tôi vừa nhận được thông báo cước mới nhất là 8,2 USD/kg hàng hóa; trong khi trước đó một tuần là 7,5 USD/kg. Với giá cước tăng nhanh như hiện tại, doanh nghiệp đang phải gồng mình sản xuất”, bà Vy nói.
Đặc biệt, điều khiến các doanh nghiệp hết sức lo lắng khi giá cước vận tải container tăng cao, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.Thực tế, đã có nhiều đơn hàng bị hủy vì đối tác chuyển đến địa điểm lấy hàng gần hơn.
Nhiều chuyên gia trong ngành dự báo, khả năng cước vận tải biển vẫn chưa thực sự chạm đỉnh và sẽ tiếp tục duy trì ở các mức kỷ lục cho đến hết năm 2021 và thậm chí là kéo dài sang năm 2022.
Gỡ "nút thắt" cho doanh nghiệp xuất khẩu
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu tăng cao thì các hãng tàu ngoại hoạt động ở Việt Nam lại chưa minh bạch trong cước phí.
Chính vì vậy, theo ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự chỉ đạo hiệu quả trong việc thực thi các văn bản pháp luật như Nghị định 146 về niêm yết giá cước, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, để kiểm soát được cước vận chuyển, phụ phí vận chuyển tăng không kiểm soát. Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng cũng tăng cường trao đổi thông tin về thị trường giá cước, container rỗng để giải quyết vấn đề giá cước tăng của các hãng vận chuyển.
Về lâu dài, cần có quyết sách phát triển đội tàu vận chuyển hàng container mang thương hiệu Việt Nam, phục vụ các tuyến xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như châu Âu hay Bắc Mỹ…, việc này sẽ giúp thị trường dịch vụ vận tải biển quốc tế ở Việt Nam đa dạng, mở rộng hơn, doanh nghiệp chủ động hơn trong việc vận chuyển hàng hóa.
Nêu giải pháp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về vận tải biển, các cơ quan quản lý cần tập hợp và công bố rộng rãi thông tin về giá cước của các hãng tàu tại các tuyến vận tải tương tự như Việt Nam để có sự so sánh. Trường hợp doanh nghiệp bị ép quá, hoặc bị thu cước vô tội vạ thì phải có đầu mối cho họ phản ánh. Hãng tàu nào bị doanh nghiệp “kêu” nhiều thì cơ quan quản lý phải kiểm tra, thanh tra.
Về phía Cục Hàng hải Việt Nam sẽ vận động các hãng tàu giảm giá cước hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, Cục sẽ triển khai ngay việc xây dựng Cổng thông tin vận tải biển để từng bước nâng cao minh bạch thông tin, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Về phía các doanh nghiệp, đa số đều cho rằng, các doanh nghiệp nên liên kết với nhau, có cùng đơn hàng để thương lượng với hãng tàu. Việc này giúp cho các hãng tàu có đơn hàng ổn định, cũng như chủ động trong sản xuất để ký được các hợp đồng dài hạn, từ đó có lợi thế trong đàm phán về cước vận tải. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động đàm phán với đối tác nhập khẩu để linh động thời gian, không cố định sẵn như trước, từ đó có thời gian chờ container rỗng để gửi hàng.