Vượt 'bão Covid-19', xuất khẩu nông sản về đích sớm, vượt chỉ tiêu 1,5 tỷ USD
(DNTO) - Dù còn 1 tháng nữa mới hết năm 2021 nhưng xuất khẩu nông sản đã cán đích ấn tượng, đạt trên 43,5 tỷ USD. Với kết quả này, ngành nông nghiệp đã về đích sớm một tháng, vượt 1,5 tỷ USD so với chỉ tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD do Chính phủ giao.
Nông sản Việt dự kiến sẽ thu ngoại tệ 47 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dù ảnh hưởng của Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản... nhưng các mặt hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản trong những tháng cuối năm 2021 đều tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu.
Cụ thể, tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các nhóm hàng chủ lực đều tăng mạnh.
Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 19,3 tỷ USD, tăng 14%; lâm sản chính thu về 14,3 tỷ USD, tăng 21%; thủy sản đạt trên 7,9 tỷ USD, tăng 3,5%; chăn nuôi đạt 393 triệu USD, tăng 4%; nhóm đầu vào sản xuất trên 1,5 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý trong 11 tháng qua, Hoa Kỳ là quốc gia nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam nhiều nhất khi giá trị xuất khẩu đạt trên 11,9 tỷ USD (chiếm 27,5%), thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 với giá trị xuất khẩu gần 8,4 tỷ USD (chiếm 19,2%), sau đó đến Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ở chiều ngược lại, 11 tháng đầu năm, Việt Nam chi ra khoảng 39 tỷ USD để nhập các mặt hàng nông lâm thuỷ sản, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Mỹ là "ông trùm" xuất khẩu nông sản sang Việt Nam, chiếm 9% tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt gần 3,5 tỷ US, trong đó mặt hàng bông chiếm 35,5% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ.
Để có được “trái ngọt” này, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đó là kết quả cả quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn hệ thống, với phương châm thách thức kép thì phải quyết tâm và cố gắng thực hiện 2-3 lần, theo đó, sau thời gian giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh đã được các doanh nghiệp "xốc" lại nhanh chóng. Đến thời điểm này, kết quả sản xuất, kinh doanh đã đẩy chỉ tiêu xuất khẩu gần cán đích.
Dự kiến xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ năm 2021 đạt từ 14-15 tỷ USD; thủy sản: 8,4-8,5 tỷ USD; rau quả: 3,4-3,5 tỷ USD; các mặt hàng khác như gạo, cà phê, caosu, hạt điều đều được dự báo mang về từ 3-3,6 tỷ USD mỗi loại...
"Từ những con số trên, có thể thấy khả năng lớn nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu cả năm 47 tỷ USD, đạt mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp, vượt 5 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kỳ vọng.
Triển vọng xuất khẩu giúp doanh nghiệp bứt tốc cuối năm
Xuất khẩu nông sản 11 tháng "thắng lớn" là bệ phóng cho doanh nghiệp bứt tốc để về đích cuối năm.
Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, trong 10 tháng ngành điều đã đạt trên 3,1 tỷ USD, cộng thêm 2 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu điều có thể đạt, hoặc vượt 3,6 tỷ USD, chưa kể tổng các mặt hàng phụ như dầu vỏ hạt điều, bánh kẹo, sản phẩm chế biến sâu,… còn mang về thêm khoảng 0,5 tỷ USD nữa.
"Với kết quả này, ngành điều sẽ tiếp tục duy trì vị thế xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới, chiếm trên 80% tổng sản lượng điều nhân xuất khẩu của toàn cầu, bên cạnh đó hạt điều sẽ là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực hàng đầu ở Việt Nam, xếp trên rau quả, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu... ", ông Giang nhận định.
Còn theo Hiệp hội Caosu Việt Nam, giá mặt hàng caosu - “vàng trắng” của ngành nông nghiệp, đã tăng trên 28% so với cùng kỳ năm trước cũng đang cho doanh nghiệp xuất khẩu caosu hưởng lợi lớn từ mặt hàng này. Dự báo xuất khẩu caosu năm 2021 có thể đạt trên 3 tỷ USD (năm 2020 đạt 2,38 tỷ USD).
Tương tự, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2021 dự kiến cũng vượt xa so với giá trị xuất khẩu 3,07 tỷ USD của năm 2020.
"Vua" lúa gạo Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, công ty đang tất bật chuẩn bị cho việc xuất khẩu lô hàng 15.000 tấn gạo Trung An vừa trúng thầu sang thị trường Hàn Quốc. Dự kiến đến cuối năm nay, xuất khẩu gạo của Trung An sẽ đạt 190.000 tấn. Riêng thị trường Hàn Quốc, trong 11 tháng qua, Công ty Trung An đã trúng thầu và xuất khẩu 48.458 tấn gạo các loại, chiếm 93% tổng khối lượng mà Hàn Quốc chào thầu dành cho gạo Việt Nam năm nay.
“Trong 2 tháng 10 và 11 vừa qua, chúng tôi vừa hoàn tất, xuất xong 22.000 tấn gạo sang Hàn Quốc. Hiện tại Trung An lại trúng tiếp 15.000 tấn và đang đẩy nhanh tiến độ để kịp giao hàng đúng hạn”, ông Bình cho hay.
Là một trong những doanh nghiệp lớn xuất khẩu các mặt hàng nông sản, từ đầu tháng 11, ngay khi vú sữa - loại trái cây đặc sản vào vụ thu hoạch, Vina T&T đã tất bật với các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ.
“Trung bình mỗi tuần chúng tôi xuất khẩu sang Mỹ khoảng 5-6 container vú sữa với mức giá 20 USD/kg - tương đương 460.000 đồng/kg, là giá cao nhất từ trước đến nay. Mỗi thùng vú sữa 4kg được bán với giá 80USD và hàng sang đến đâu được mua hết đến đó. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ vú sữa năm nay tại thị trường Mỹ sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho hay.
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng đang guồng tốc độ để kịp xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản chủ lực sang thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc… Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, lũy kế 10 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt 892,7 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
"Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam khá ổn định kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới. Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh tại Việt Nam, xuất khẩu tôm sang thị trường này chỉ giảm trong tháng 8 và nhanh chóng phục hồi trở lại trong tháng 9. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng và đà tăng trưởng này sẽ kéo dài đến quý I/2022", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký VASEP nhận định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong mỏi được Chính phủ và bộ, ngành địa phương hỗ trợ thêm việc tiêm vaccine cho công nhân, đồng thời ổn định chính sách vĩ mô để tạo môi trường xuất khẩu ổn định.
Về phía Bộ NN&PTNT đang đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, chú trọng chế biến sâu… để đáp ứng các yêu cầu của thị trường cao cấp. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đang nỗ lực khơi thông thị trường Trung Quốc để xuất khẩu nông sản vào thị trường này bật tăng trở lại.