Trung Quốc 'tuýt còi' nhiều nông sản Việt xuất khẩu không có giao dịch thương mại suốt 5 năm qua
(DNTO) - Văn phòng SPS Việt Nam vừa nhận được phản hồi từ phía Trung Quốc đề nghị nhanh chóng cung cấp thông tin hoặc giải thích rõ về việc nhiều loại nông sản xuất khẩu không có giao dịch thương mại kể từ 1/1/2017 đến nay.
Nhiều nông sản Việt vẫn chưa có giấy thông hành xuất khẩu
Vừa qua, Văn phòng SPS Việt Nam đã có thư điện tử đề nghị Cục An toàn Thực phẩm xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông tin về kết quả đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đáp ứng hướng dẫn tại Công hàm số 353/2021 của Cục An toàn Thực phẩm xuất nhập khẩu về hướng dẫn triển khai đăng ký doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đó, ngày 20/11, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được phản hồi của Cục An toàn Thực phẩm xuất nhập khẩu Trung Quốc đối với danh sách doanh nghiệp đăng ký trước ngày 31/10/2021 và việc sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp trên bao bì thực phẩm.
Phía Trung Quốc cho hay, qua kiểm tra, rà soát đối với các sản phẩm đã có giao dịch thương mại nêu tại Phụ lục 1, Công hàm số 353/2021 của Cục An toàn Thực phẩm xuất nhập khẩu, thông tin doanh nghiệp được cung cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam hiện vẫn chưa đăng ký xuất khẩu với nhiều loại sản phẩm.
Cụ thể như các sản phẩm: Đậu đỏ khô, cau khô, dừa biển khô, hạt dưa đỏ, hạt ý dĩ (hạt bo bo, hạt mạch) tách vỏ, gừng, hạt đậu tằm tươi hoặc bảo quản lạnh, cải thảo tươi hoặc bảo quản lạnh, cải xoăn (cải ngồng) tươi hoặc bảo quản lạnh, ớt tươi hoặc bảo quản lạnh (gồm ớt ngọt), hành (Allium fistulosum) tươi hoặc bảo quản lạnh, củ hoài sơn (Dioscorea oppositifolia L.) tươi hoặc bảo quản lạnh, đậu Hà Lan tươi hoặc bảo quản lạnh (tách vỏ/không tách vỏ), hành tây (củ) tươi và bảo quản lạnh, bột lúa mì, lúa mạch, quả cọ và hạt cọ dầu, vừng.
"Với các sản phẩm trên, Cục An toàn Thực phẩm xuất nhập khẩu đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nhanh chóng cung cấp thông tin hoặc giải thích rõ không có giao dịch thương mại trong 5 năm qua, từ 01/01/2017 đến nay", Cục An toàn Thực phẩm xuất nhập khẩu Trung Quốc đề nghị.
Doanh nghiệp có thể sử dụng mã số đăng ký do Việt Nam cấp để duy trì xuất khẩu sang Trung Quốc
Cũng trong công điện gửi Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiếp tục giải đáp một số thắc mắc của doanh nghiệp Việt trong việc thích ứng với những quy định mới của Lệnh 248, 249.
Cụ thể, mã số đăng ký doanh nghiệp, danh sách doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc trước ngày 31/10 hiện đang là những điểm băn khoăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi thích ứng với Lệnh 248, 249.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, hiện tại, Bộ NN&PTNT đã đăng ký cho 156 doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian này. Các doanh nghiệp được đăng ký sớm đợt này sẽ hưởng ưu đãi về thủ tục, chỉ cần khai báo 3 loại giấy tờ gồm: Giấy đăng ký kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm và bản cam kết. Nhóm doanh nghiệp sẽ được giãn thời hạn hoàn thiện hồ sơ tới tháng 6/2023, thay vì phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 8 của Lệnh 248 khi đăng ký sau ngày 1/11.
"Về mã số đăng ký doanh nghiệp trên bao bì sản phẩm, theo quy định của Lệnh 248, doanh nghiệp có thể sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp hoặc do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp. Trong trường hợp, nếu doanh nghiệp không kịp sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp, có thể sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp", phía Trung Quốc cho hay.
Trước mắt, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị, Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp với Tổng cục Hải quan Việt Nam và các hiệp hội, doanh nghiệp rà soát các sản phẩm đã có giao dịch thương mại xuất khẩu vào Trung Quốc. Mục tiêu để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin đăng ký doanh nghiệp cho các mặt hàng như đã nêu, tránh rủi ro về việc thu hẹp danh mục sản phẩm nông sản thực phẩm đã có giao dịch thương mại của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Có thể thấy, những năm qua, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc liên tục phát triển và trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Từ năm 2020 đến nay, trong khi hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì thị trường “sát sườn” Việt Nam là Trung Quốc càng thể hiện các ưu thế tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, đây không còn là thị trường dễ tính trong nhập khẩu hàng hóa, nhất là nhóm sản phẩm nông, thủy sản. Đặc biệt, từ đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ ban hành nhiều quy định mới về nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản.
Về vấn đề này, tại nhiều diễn đàn gần đây, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hiện nay, câu chuyện xuất khẩu không chỉ là ở sản phẩm ngon, mà chúng ta phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra...., đồng thời, học kỹ năng làm giá, đàm phán của người Trung Quốc. Thị trường càng lớn, càng có cơ hội thì càng rủi ro, vì nhiều nước cạnh tranh, quan tâm.
"Theo đó, doanh nghiệp, nông dân phải thay đổi nhận thức, chủ động nắm bắt thông tin để đáp ứng được những yêu cầu mới từ thị trường Trung Quốc đặt ra trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần trở thành đầu tàu trong nắm bắt, tiếp cận sự thay đổi về nhu cầu của thị trường", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.
Bên cạnh đó, xác định xuất khẩu nông sản không chỉ dừng lại ở cửa khẩu mà phải phân phối hàng sâu vào nội địa thị trường Trung Quốc, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp, nông dân thực hiện các giải pháp để không vuột mất cơ hội xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường lớn này.