Giải pháp nào để truy xuất nguồn gốc thực sự là 'giấy thông hành' cho hàng xuất khẩu?
(DNTO) - Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, thì truy xuất nguồn gốc được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Còn nhiều rào cản bủa vây
Chia sẻ về vai trò của truy xuất nguồn gốc nông sản, tại Hội thảo "Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt”, chiều 4/11, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, thì truy xuất nguồn gốc được coi là chìa khóa khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.
"Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại", ông Linh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một thực tế được bà Nguyễn Thị Thành Thực, Hội Nông nghiệp số Việt Nam nêu là tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app với các tiêu chí quy định về truy xuất nguồn gốc còn lạc hậu so với thị trường thế giới. Nhiều trường hợp vi phạm giả mạo hồ sơ giấy tờ sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, mã vùng trồng và chưa có các chế tài nghiêm khắc xử lý các sai phạm này. Quản lý lưu thông hàng hóa chưa nghiêm, còn để vi phạm giả mạo mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói...
Để truy xuất nguồn gốc nông sản, cần đến các công cụ số, nhưng theo bà Thực, "muôn vàn khó khăn" khi thực hiện chuyển đổi số truy xuất nguồn gốc. Khó khăn lớn nhất là quản lý nhà nước còn yếu kém, có rất nhiều quy định về quản lý lưu thông hàng hóa nhưng với nông sản lại chưa làm nghiêm và minh bạch.
"Vừa rồi có tình trạng mã vùng trồng xoài của Đồng Tháp bị Hải quan Trung Quốc công bố tạm ngừng nhập khẩu, đây là lỗi của quản lý nhà nước, không phải của người dân hay doanh nghiệp, bởi chỉ có nhà nước mới có quyền kiểm tra xe hàng này vi phạm hay không, và xe hàng trước khi xuất đi Trung Quốc ở xưởng nào thì tem nhãn hàng hoá ở cơ sở đó, nói cách khác đó chính là chi cục quản lý chất lượng của sở nông nghiệp", bà Thực cho hay.
"Ví dụ, mã vùng trồng này có 10ha có thể cấp được trong 1 vụ là 100 tấn, vậy thì sẽ phải có phần mềm quản lý để trừ lùi cho đến khi hết rồi sẽ tự đóng lại, nhưng chúng ta chưa làm được điều này. Trong khi đó, Hải quan Trung Quốc họ làm rất chặt chẽ khâu kiểm soát, cho nên trên hồ sơ của họ sẽ thể hiện rất rõ mã vùng trồng này chỉ giới hạn cho 100 tấn trong khi anh lại ngang nhiên xuất đến 200, 300 tấn là phi lý", bà Thực dẫn chứng.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người dân ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối, giả mạo. Nhiều trường hợp vi phạm giả mạo hồ sơ giấy tờ sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, mã số vùng trồng.
"Hậu quả của việc mù mờ thông tin là sự mất niềm tin của người tiêu dùng vào hệ thống quản lý, giám sát và phân phối nông sản. Dẫn đến thị trường bất ổn, từ đó khiến cả người sản xuất và người tiêu dùng đều bị thiệt hại", bà Thực nhận định.
Nêu quan điểm của mình, ông Nguyễn Văn Đoan, chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho rằng, hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, chưa tuân thủ theo quy chuẩn nào. Chỉ cần một thao tác tìm kiếm trên các kho ứng dụng, có thể thấy hàng loạt ứng dụng truy xuất nguồn gốc, nhưng tính xác thực lại thấp.
"Các thông tin truy xuất chưa có đầy đủ dữ liệu về ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao. Thậm chí một sản phẩm có thông tin truy xuất nguồn gốc rất bài bản là vải thiều Hải Dương, khi quét tem truy xuất nguồn gốc cũng không có các thông tin đầy đủ về sự tham gia của các bên trong chuỗi cung ứng, không có đơn vị sơ chế, vận chuyển...", ông Đoan nêu thực trạng.
Giải pháp để truy xuất nguồn gốc nâng tầm nông sản Việt
Để hoạt động truy xuất nguồn gốc thực sự là bệ đỡ nâng tầm nông sản Việt, bà Thực cho rằng trước hết doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, chủ động ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc nông sản, ngoài việc cung cấp cho người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, còn là để bảo vệ chính doanh nghiệp khi có các sự cố như giả mạo thương hiệu, giả mạo mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói...
"Nhà nước cần có khung chính sách sát thực, cụ thể, kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc nông sản. Người dân, cán bộ cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo quy định về truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, có những công cụ số phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phẩm ngành hàng để người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm", bà Thực cho hay.
Bên cạnh đó, ông Đoan cho biết, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đang phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia NBC-TRACE. Hiện đã có trên website và app cho điện thoại.
"Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia có mục đích nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng", ông Đoan nhấn mạnh.
Ngoài ra, để phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, thời gian tới cục sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên để phục vụ cho việc mở rộng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; triển khai chương trình về xây dựng mã số vùng trồng.
Đồng thời, cục sẽ làm việc với các nước nhập khẩu để thực hiện báo cáo khắc phục vi phạm, phục hồi mã số bị tạm ngưng do nhận thông báo vi phạm, xác định rõ các yêu cầu để mở rộng vùng trồng, tăng số lượng cơ sở đóng gói. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật địa phương, doanh nghiệp, người dân; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, hoàn thiện tiêu chuẩn Việt Nam về thiết lập và quản lý vùng trồng để trình ban hành.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), hiện nay, Bộ NN&PTNT đang có kế hoạch áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ với thị trường xuất khẩu, mà với cả thị trường tiêu thụ nội địa 100 triệu dân. Điều này đem lại lợi ích vẹn toàn cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng nông sản; giúp người nông dân - chủ thể chính của tái cơ cấu nông nghiệp nâng cao khả năng đưa sản phẩm ra ngoài thị trường, đặc biệt là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
“Tới đây, việc truy xuất nguồn gốc phải được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, khả thi hơn, đáp ứng được đầy đủ và không để bị động trước bất cứ đòi hỏi, tiêu chuẩn của thị trường nào”, ông Toản nhấn mạnh.