Vực dậy sau đại dịch, doanh nghiệp xoay sở 'nối' lại chuỗi cung ứng
(DNTO) - Dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng hàng hoá chịu tác động khá nặng nề ở cả hai chiều cung - cầu, buộc nhiều doanh nghiệp phải dịch chuyển các đơn hàng. Trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế trở lại, việc khôi phục sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, giữ đơn hàng được coi là nhiệm vụ "sống còn" với doanh nghiệp.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ 4, chuỗi cung ứng hàng hóa chịu tác động khá nặng nề, thậm chí có thời điểm bị đứt gãy, nhất là tại một số địa phương phía Nam. Không chỉ các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra cho thị trường trong nước và thế giới đều “chung cảnh ngộ” tiêu cực.
Xoay sở phục hồi chuỗi cung ứng
Bước vào giai đoạn tái sản xuất, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt sáng tạo, thay đổi mô hình chiến lược, để có thể "lao" ngay vào sản xuất, kinh doanh, xoay sở mọi cách nối lại các đơn hàng, tìm chiến lược phục hồi chuỗi cung ứng.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Thương mại Nhất Tinh, cho tới thời điểm này, dù doanh nghiệp đã phục hồi được 80% sản xuất nhưng vẫn đang xoay xở với bài toán về chuỗi cung ứng.
“Chúng tôi đã từng bước khắc phục và vượt qua bằng nhiều cách khác nhau, như trao đổi, đàm phán với khách hàng để đa dạng hóa nguồn cung, xuất xứ nguyên vật liệu, nhà cung cấp. Hiện chúng tôi tạm thời giữ vững mức giá đầu ra để giữ chân khách hàng”, ông Tuấn nói.
Với nhiều doanh nghiệp, mục tiêu chính trong bối cảnh dịch bệnh gây đứt gãy chuỗi cung ứng không phải là lợi nhuận mà ưu tiên phục hồi sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Thân Đức Việt, CEO May 10 cho biết, bước vào giai đoạn tái sản xuất, để duy trì chuỗi cung ứng và giữ các đơn hàng, ông lập tức chỉ đạo các nhà máy, xí nghiệp bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh, tăng cường làm việc với khách hàng để nắm rõ nhu cầu, số lượng đơn đặt hàng, sau đó làm việc với các nhà cung ứng để đảm bảo nguồn cung rồi lên kế hoạch sẵn sàng đáp ứng.
"Trước kia, May 10 thường có kế hoạch nhận hàng và sản xuất đơn hàng từ 3-6 tháng, nhưng kể từ khi có dịch, chúng tôi phải thay đổi chiến lược, thực hiện theo tuần, thậm chí là ngày. Chúng tôi đã huy động người lao động làm thêm giờ hàng ngày, hoặc làm thêm một vài chủ nhật trong tháng để bù đắp những thiếu hụt do không giao hàng kịp của những lần giãn cách trước", ông Việt cho hay.
Bên cạnh đó, lo lắng chuỗi cung ứng gần như bị đổ vỡ, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú cho biết, hiện nhu cầu mua tôm của khách hàng nước ngoài rất lớn, giá tôm cũng tăng cao trong khi số lượng công nhân đi làm chỉ chiếm 23,8%, đồng nghĩa với việc công suất của các nhà máy phải giảm theo.
Theo đó, để nối lại nhịp sản xuất, Công ty Minh Phú đã chủ động tăng giá tôm để nông dân yên tâm tăng nuôi, thả tôm.
“Doanh nghiệp lo tháng 11, tháng 12 tới không có nguyên liệu để trả các đơn hàng cho đối tác nước ngoài. Chúng tôi đã đề nghị triển khai gấp và khuyến khích người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để những tháng cuối năm có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đi các nước", ông Quang cho hay.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đưa ra những ưu đãi rất lớn để thu hút nguồn nhân lực đang có nguy cơ thiếu hụt sau dịch, nhằm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã đến thời điểm giao hàng.
Bà Đỗ Loan, Giám đốc Công ty Sao Nam (Bình Dương) cho biết: "Để cạnh tranh nguồn nhân lực, công ty đưa ra mức thu nhập rất hấp dẫn, ngoài việc làm 8 tiếng một ngày, nếu làm thêm giờ, người lao động có thêm thu nhập rất cao. Tính ra với mức ưu đãi này, công nhân có thể có thu nhập 20 - 25 triệu đồng/tháng nếu chịu khó".
Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp lo lắng hiện nay là nguy cơ những tháng cuối năm thiếu trầm trọng nguyên liệu khiến đơn hàng của doanh nghiệp đang nợ đọng rất nhiều, rất dễ khiến đối tác có ý định chuyển đơn hàng sản xuất sang nước khác.
Nỗi lo khách hàng quay lưng
“Nhiều khách hàng đã hỏi doanh nghiệp khi nào có thể khôi phục lại sản xuất bình thường và cung ứng hàng cho họ. Nếu không trả lời được câu hỏi này, các nhà mua hàng sẽ chuyển đi mua chỗ khác”, đại diện doanh nghiệp trần tình.
Nguy cơ dịch chuyển các đơn hàng có thể xem là lời cảnh báo cho Việt Nam trong việc giải bài toán làm sao để vừa giữ chân bạn hàng, vừa tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho hay, bài học kinh nghiệm rút ra từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư này là kế hoạch chuẩn bị dự phòng nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất.
"Doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn vật tư, nguyên liệu, máy móc ít nhất 6 tháng mới có thể tạm yên tâm sản xuất ổn định, bảo đảm cung ứng đúng tiến độ theo hợp đồng với khách hàng quốc tế", ông Toàn nhận định.
Đồng thời, cần sự chủ động đàm phán, thu xếp vốn với ngân hàng, như cần có gói cho vay ưu đãi lãi suất thấp để doanh nghiệp có vốn vay đặt hàng trước nguyên liệu với số lượng lớn, nhằm giúp kéo giảm giá xuống, chủ động mở rộng mạng lưới đối tác đồng thời đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế rủi ro.
Nêu quan điểm của mình, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi sản xuất dẫn đến một số đơn hàng đã ký trước đó bị khách hàng hủy hoặc chuyển dịch sang nước khác. Do đó, thời gian tới, doanh nghiệp cần nỗ lực để lấy lại đơn hàng bằng cách thúc đẩy xuất nhập khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do, tìm kiếm những cơ hội thị trường mới cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, đặc biệt thông qua thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, điều quan trọng mà các doanh nghiệp cần là sự trợ lực từ các chính sách hỗ trợ trực diện như: Hỗ trợ tài chính, miễn hoặc giảm mạnh các loại thuế, phí hay gói hỗ trợ lãi suất tín dụng kịp thời giúp giảm gánh nặng cho chuỗi cung ứng để thúc đẩy sản xuất.
"Nếu Chính phủ không có những chính sách cũng như biện pháp phù hợp để kịp thời thích nghi thì không chỉ chuỗi cung ứng mà nền kinh tế cũng sẽ tiếp tục bị đứt gãy", bà Trang nhận định.
Các chuyên gia cho rằng, cần tính toán để phân tán sản xuất ra nhiều địa phương, phát triển các khu công nghiệp phân bố rộng khắp các vùng kinh tế để nếu chỗ này phải ngừng sản xuất, vẫn có chỗ khác còn có thể tiếp tục duy trì. Chính vì vậy, cần giải được bài toán phân bổ không gian khu công nghiệp.
Không những vậy, chính sách phát triển sản xuất công nghiệp phải làm sao thoát khỏi việc tỷ lệ gia công quá lớn; nâng cấp lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng việc đầu tư cho sản xuất, nghiên cứu, thương hiệu và phân phối, đây là điều rất quan trọng mà Việt Nam phải bứt phá trong thời gian tới.