Doanh nghiệp chế biến nông sản 'khát' nguyên liệu để chạy đua đơn hàng
(DNTO) - Trở lạị guồng quay sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, ngoài nỗi lo thiếu nhân lực và dòng tiền, thì "khát" nguyên liệu cũng là bài toán khó cho các doanh nghiệp nông sản, bởi đặc thù quy mô nhỏ, thời vụ quá ngắn, lại chịu sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường quốc tế...
Thiếu nguyên liệu chế biến, doanh nghiệp gặp khó
Sau nhiều lần phải giải cứu, ngành nông sản Việt đã có khá nhiều bài học kinh nghiệm để nhìn nhận và khắc phục. Trong đó, việc hướng đến sản phẩm chế biến sâu là một trong những ưu tiên hàng đầu. Thực tế, đã dần có nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền chế biến được nhập từ nước ngoài và cho ra sản phẩm chất lượng không hề thua kém các nước phát triển. Tuy nhiên, để làm được việc này, vấn đề cốt lõi đầu tiên phải xây dựng, liên kết được vùng nguyên liệu và cân đối với nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh vào chế biến nên công suất nâng từ 800.000 tấn lên 1-1,2 triệu tấn/năm sản phẩm tươi được chế biến, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, có một bất cập là việc tương thích giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến còn chưa cao. Bởi nhà máy chế biến chỉ nằm một chỗ, còn các vùng trồng nguyên liệu tản mạn, nhỏ lẻ, việc phải thu mua nhỏ lẻ nông sản của các hộ nông dân dẫn đến tình trạng khi thừa sản phẩm lại thiếu nhà máy chế biến và ngược lại.
Nêu quan điểm tại Diễn đàn Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 mới đây, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho rằng: "Cái khó nhất mà ngành công nghiệp chế biến nông sản tại Việt Nam hiện đang phải đối mặt là vùng nguyên liệu. Chất lượng nguồn nguyên liệu của Việt Nam rất tốt, nhưng thời gian sản xuất trong 1 năm lại quá ngắn. Điển hình như xoài Sơn La chỉ có trong 3 tháng, vải Bắc Giang chỉ có trong 2 tháng, thế nhưng một nhà máy chế biến lại cần phải hoạt động ít nhất 10 tháng trong 1 năm", ông Đinh Cao Khuê nhận định.
Việc khó khăn trong thu mua nguyên liệu sản xuất khiến các dây chuyền, nhà máy chế biến của doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chưa hoạt động hết công suất.
Về vấn đề này, ông Lê Trường Tùng, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, cho biết: Hiện tại, 40% nguồn nguyên liệu sản xuất của công ty đang mua từ tỉnh ngoài, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, việc vận chuyển nguyên liệu từ các tỉnh ngoài về phục vụ quy trình sản xuất, chế biến gặp khó khăn, thời gian vận chuyển dài, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Để duy trì sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp đã phải vay 10 tỷ đồng nên càng khó khăn càng chồng chất.
Công ty Cổ phần Đầu tư Long Huệ, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức cũng gặp khó khăn tương tự. Hiện doanh nghiệp chỉ hoạt động được 30-40 công suất. Nguyên nhân do giá chanh dây tăng cao và thiếu hụt nguồn nguyên liệu khoảng 70%.
Ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc công ty CP đầu tư Long Huệ cho biết, hiện nay nguồn chanh dây trên địa bàn tỉnh chưa đủ cung cấp cho nhà máy chế biến. Nguyên nhân do diện tích trồng giảm, giống chanh dây chưa chất lượng nên năng suất, sản lượng cũng thấp. Khi lượng hàng thu mua khan hiếm, giá tăng cao đơn vị cũng ảnh hưởng rất lớn, nhất là các đơn đặt hàng xuất khẩu.
Cùng nỗi lo, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú cũng cho rằng: “Chúng tôi rất lo trong tháng 11-12 không có nguyên liệu để chế biến xuất khẩu trả các đơn hàng phục vụ cho mùa Noel, đón mừng năm mới. Nếu lúc đó hết dịch, công nhân được đi làm 100% thì lại không có nguyên liệu để làm”.
Cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt
Để giải quyết được triệt để vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Việt Nam cần một quy hoạch căn cơ. Ngoài ra, một nhà máy chế biến cần phải xử lý được đa dạng nguồn nguyên liệu để doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa công suất, dây chuyền máy móc hoạt động được quanh năm.
Ông Nam nhấn mạnh, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ các địa phương một phần để đảm bảo được hạ tầng vùng sản xuất. Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện về đào tạo nguồn nhân lực và quản trị cho các hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu. Đặc biệt, sẽ định hướng cùng các đơn vị chuyên môn xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đạt chuẩn.
Đồng thời cần cái "bắt tay" giữa doanh nghiệp và nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đặc thù như trồng cà phê, gấc, chanh dây…Việc liên kết này trước mắt đem lại lợi ích cho nông dân khi bán được giá cao, không lo được mùa mất giá, doanh nghiệp không lo thiếu nguyên liệu.
Bên cạnh đó, xây dựng vùng nguyên liệu còn là cách uyển chuyển trong xử lý mùa vụ thu hoạch rau quả bằng nhiều giải pháp. Hiện nay, có 2 cách thức thay đổi phù hợp với quy luật cung cầu cho nông sản là rải vụ và trái vụ. Các giải pháp này được khuyến khích áp dụng trên diện rộng trong cùng một thời điểm để cân đối thông tin cung cầu và kịp thời cung cấp cho người dân để họ điều tiết thời vụ.