Doanh nghiệp phải xem nhân viên như khách hàng
(DNTO) - Vấn đề nhân sự, người lao động hiện trở thành đề tài nóng được đưa ra bàn luận nhiều trong thời gian gần đây. Việc giữ chân người lao động và đảm bảo đời sống cho nhân viên là một trong những vấn đề doanh nghiệp cần lưu tâm trong giai đoạn bình thường mới.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính từ tháng 7 đến trung tuần tháng 9/2021, cả nước có khoảng 1,3 triệu người lao động về quê tránh dịch. Trong đó, TP.HCM có gần 300.000 người và các tỉnh thành phía Nam có hơn 450.000 người về quê sau những ngày giãn cách kéo dài.
Dù TP.HCM đã có những giải pháp nới lỏng giãn cách và mở lại nhiều hoạt động kinh doanh từ đầu tháng 10 đến nay, nhưng không vì thế mà doanh nghiệp có thể an tâm hoạt động khi số lượng nhân viên không thể đảm bảo, nhất là với những công ty, xí nghiệp có đặc thù nhu cầu lao động cao như các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT U&I Group từng cho rằng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chủ quan sau các đợt khống chế dịch thành công, điều này dẫn đến việc không chuẩn bị tốt về mặt giữ chân nhân sự.
"Phải nhìn nhận rõ rằng xu thế lao động đang có sự chuyển biến và thay đổi. Vừa qua đã có những làn sóng người lao động rời thành phố về quê tránh dịch, và có thể tỷ lệ họ trở lại rất khó đạt được như kỳ vọng của các doanh nghiệp. Nếu ngay thời điểm này, các doanh nghiệp không lường trước được điều đó và có những kế hoạch thay đổi thì sẽ rất khó có thể phục hồi như trước dịch", ông Tín cho hay.
Lãnh đạo doanh nghiệp phải thay đổi tư duy về phát triển nhân lực
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, đến ngày 10/10, đã có hàng trăm doanh nghiệp gửi thông tin đăng ký tuyển lao động với nhu cầu cần khoảng 90.763 đầu việc.
Trong thời gian đợi người lao động trở lại, các chuyên gia cho rằng đây là lúc các lãnh đạo doanh nghiệp nên xem xét lại các vấn đề liên quan đến nhân sự, làm sao để có thể giữ chân người lao động, bất chấp những khó khăn khách quan mang lại như đợt dịch vừa qua.
Bà Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc Công ty TalentNet cho rằng ngay từ bây giờ, các chủ doanh nghiệp và quản lý nhân sự nên thay đổi tư duy theo hướng linh hoạt và cởi mở hơn. Theo bà Trinh, với tư duy cũ, các doanh nghiệp thường xem phòng nhân sự như một phòng chức năng, nhưng trong tình hình mới hiện nay, bộ phận nhân sự nên được xem như một đối tác tạo nên giá trị cho doanh nghiệp.
"Thời đại càng số hóa thì giá trị của con người càng được nâng cao hơn. Quan trọng là sếp phải hiểu được nhân viên của mình và xem họ như khách hàng, để tin tưởng và trao trách nhiệm", bà Trinh nhìn nhận.
CEO TalentNet dẫn chứng, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có sức cạnh tranh cao trên thị trường hiện nay đều rất coi trọng vấn đề quản trị nhân sự và đầu tư rất tốt cho bộ phận này. Bà Trinh cho biết, thậm chí có nhiều nhân viên quản trị nhân sự đi cùng với doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu thành lập.
"Họ hiểu được từng đường đi nước bước, đường lối và chính sách của công ty nên dễ dàng hoạch định nên những chiến lược để phát triển, khi đó, người lãnh đạo doanh nghiệp có thể an tâm trao quyền và tập trung vào các vấn đề khác. Lúc này, bộ phận quản lý nhân sự đóng vai trò điều phối các hoạt động nhân lực của doanh nghiệp một cách sát sao nhất. Các doanh nghiệp phải ý thức ngay từ ban đầu rằng, chi phí để xây dựng bộ phận phát triển nhân sự là một sự đầu tư chứ không phải phung phí tốn kém", bà Trinh nhấn mạnh.
Khi đã nắm bắt được vấn đề nhân sự rồi, việc đào tạo là điều cốt yếu để người lao động có thể phát huy thế mạnh của mình. Bà Tiêu Yến Trinh cho rằng việc đào tạo đội ngũ nhân sự không phải đơn giản là cho đi học nhiều mà phải tập trung vào mục tiêu doanh nghiệp, kỹ năng phục vụ kinh doanh, thậm chí là những kỹ năng "trái ngành".
Nhân viên là chủ thể để xây dựng chính sách
Theo "nữ tướng" của TalentNet, trước nay các doanh nghiệp thường hướng theo kiểu cũ là ban hành chính sách theo chiều hướng phục vụ kinh doanh tốt nhất, đôi khi bỏ qua những chủ thể thực thi chính sách - chính là nhân lực của công ty. Bà Trinh khuyến nghị, trước khi ban hành một chính sách kinh doanh hay kế hoạch hoạt động, doanh nghiệp nên có một cuộc lấy ý kiến nhân viên để dung hòa lợi ích và quyền lợi của các bên, đồng thời qua đó, người lãnh đạo cũng có thể hiểu thêm và nắm bắt được mong muốn của nhân viên mình.
"Đơn cử như muốn chuyển đổi hình thức làm việc cho nhân viên theo hướng hybrid, cả online và offline, sẽ có những nhân viên ở trọ muốn đến văn phòng làm việc; một số nhân viên khá giả và có điều kiện hơn sẽ muốn được làm việc ở nhà, đó là lý do phải có một khảo sát để hiểu hơn về nhân viên của mình. Tôi cho rằng sắp tới, xu hướng dân chủ như vậy sẽ rất phát triển trong văn hóa doanh nghiệp", bà Trinh nêu quan điểm.
Theo bà Tiêu Yến Trinh, ngoài các chính sách dân chủ, việc quan tâm đến cảm nhận của nhân viên cũng là yếu tố quan trọng để giữ chân họ. Dẫn chứng tại TalentNet, bà Trinh cho biết trong lúc TP.HCM mới chớm dịch, sức khỏe là vấn đề nhân viên rất để tâm và lo lắng: "TalentNet đã liên kết với cơ sở y tế để bố trí bác sĩ riêng cho doanh nghiệp mình, các nhân viên khi có vấn đề sức khỏe có thể gọi cho bác sĩ bất cứ lúc nào để được tư vấn cặn kẽ. Việc này không tốn quá nhiều chi phí nhưng lợi ích mang lại cho doanh nghiệp là rất lớn khi nhân viên an tâm hơn trong công tác giữa đại dịch".
Ngoài ra, việc doanh nghiệp tạo nên những giá trị riêng lành mạnh, ý nghĩa cũng là lý do thu hút và giữ chân được nhân sự. Các nhân sự trẻ ngày nay có xu hướng quan tâm nhiều đến các doanh nghiệp có hoạt động ý nghĩa, tạo ra giá trị cho xã hội, cộng đồng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn đủ khả năng để tạo nên những giá trị như thế, đó cũng là một lợi thế để họ có thể kiến tạo nên một đội ngũ vững mạnh, nhiệt huyết và có trách nhiệm với cộng đồng, doanh nghiệp.