Không phải lúc nào M&A cũng ra 'trái ngọt'
(DNTO) - Trong rủi có may, Covid-19 đã trở thành cơ hội lớn cho các hoạt động M&A (mua bán - sáp nhập) của các doanh nghiệp nội và ngoại. Nhiều người ví đây là những cuộc hôn nhân mà ở đó, qua tuần trăng mật, sự "đứt gánh giữa đường" là rủi ro khó tránh khỏi.
Số lượng và giá trị các thương vụ M&A không ngừng tăng nóng trong thời gian qua, và Covid-19 được xem là tác nhân quan trọng thúc đẩy các hoạt động này.
Thống kê cho thấy, giai đoạn cuối năm 2020, hoạt động này bị chững lại do dịch bệnh bùng phát mạnh khiến tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ đạt 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên bước sang năm nay, giá trị các giao dịch M&A được dự đoán có thể đạt quy mô 4,5 - 5 tỷ USD. Và sang năm 2022, con số này khả năng sẽ chạm mốc 7 tỷ USd.
Một số thương vụ điển hình trong thời gian qua có thể kể đến: Trong lĩnh vực bán lẻ, Tập đoàn Thaco độc quyền thương hiệu siêu thị E-mart tại Việt Nam; trong lĩnh vực bất động sản, Vinhomes đã công bố việc mua lại Khu đô thị Đại An tại tỉnh Hưng Yên, vùng vệ tinh phía Đông Hà Nội, giá trị ước tính của thương vụ là 4.550 tỷ đồng; hay như tập đoàn Masan với một loạt giao dịch M&A trong nhiều lĩnh vực, gần đây nhất lấn sân sang cả lĩnh vực viễn thông.
Sự đa dạng của các ngành nghề cùng sự làm chủ của các doanh nghiệp nội trong cuộc chơi này là những yếu tố tạo sự khác biệt cho giai đoạn M&A hiện nay. Covid-19 đã khiến cuộc chơi phong phú sắc màu hơn.
"Thời điểm bây giờ đã khác những lần trước. Sau cơn bão cần tái cấu trúc lại, dọn dẹp nó. Ai yếu hơn không chơi được phải nhường sân. Giai đoạn này cần những người lớn mạnh, và thời điểm này cũng chính là cơ hội cho họ", đó là cách một chuyên gia nói về các doanh nghiệp hiện nay, cũng như trào lưu M&A đang khởi sắc.
Tuy nhiên, tại thời điểm mà các thương vụ đang được thực hiện âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt, ít ai có thể lường trước được những rủi ro sau ngày tháng "trăng mật" của cuộc "hôn phối" này.
Cách đây ít ngày, dư luận nhắc nhiều đến một thương vụ M&A liên quan đến công ty Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên (còn gọi là Shark Liên). Cụ thể, năm 2020, công ty của Thái Lan là WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP) đã chi ra khoảng 2.073,19 tỷ đồng để mua lại hơn 33,98 triệu cổ phần (tương ứng với 34% vốn điều lệ) của Công ty Nước mặt Sông Đuống từ ông Đặng Tất Thắng.
Theo hợp đồng, nếu đến ngày 25-10-2020 mà Sông Đuống vẫn không xin được giấy chứng nhận đầu tư tăng công suất dự án khai thác Nhà máy Nước mặt Sông Đuống từ 300.000 lên 600.000 mét khối mỗi ngày thì Aqua One (cổ đông lớn của Sông Đuống và là bên bảo lãnh cho ông Thắng) phải mua lại toàn bộ số cổ phần đó từ bên Thái Lan.
Tuy nhiên, phía Sông Đuống không thể thực hiện được điều và đồng thời bên Aqua One cũng không thực hiện như cam kết hợp đồng. Do đó, WHAUP đã kiện Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Được biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch cấp nước của Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nhà máy nước mặt sông Đuống đến năm 2030 đạt 600.000 m3/ngày và định hướng đến năm 2050 là 900.000 m3/ngày.
Có thể thấy, điều khoản trong hợp đồng M&A giữa công ty của Thái Lan và công ty Sông Đuống là điều khó thực hiện. Và việc phía Aqua One phải chi khoản tiền lên tới hàng nghìn tỷ để thực hiện theo hợp đồng cũng là điều không dễ trong bối cảnh hiện nay. Như vậy không phải cuộc "hôn nhân" M&A nào cũng đơm hoa kết trái khi mà nhiều vấn đề còn ẩn khuất sau các bản hợp đồng và thực tế sẽ còn nhiều khác biệt khi các dự án vận hành.
Theo ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư Công ty Dragon Capital, thành công của các thương vụ M&A phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thành công đến từ người mua, thành công đến từ người bán và thành công phải đến từ những người liên quan, quan trọng nhất là êm ấm hài hòa, đảm bảo lợi ích các bên liên quan.
M&A cũng giống như cuộc chơi khi có doanh nghiệp chết đi, có doanh nghiệp sống được, có M&A thành công, nhưng cũng có M&A thất bại. Theo đánh giá của ông, tính trung bình sẽ có 2/3 thương vụ M&A thành công, chưa đến 1/3 thất bại, và phần còn lại dở dang chưa rõ thành công hay thất bại.
"Sự thất bại có thể đến từ mâu thuẫn trong quá trình vận hành, doanh thu bị giảm hoặc mất đi hoặc cũng có thể do sự không phù hợp về văn hóa. Thất bại cũng có thể do các bên không trung thực hay pháp lý không minh bạch khiến cả hai bất ngờ, hụt hẫng không như mong đợi", ông Điền cho biết.