Doanh nghiệp rộng đường xuất khẩu nông sản nhờ tem truy xuất nguồn gốc
(DNTO) - Tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 được đưa vào thí điểm cho thị trường nội địa từ tháng 3/2021 đã giúp sản phẩm vải thiều Việt Nam thuận lợi nhập khẩu chính ngạch vào các thị trường nổi tiếng khó tính như Pháp, Singapore và Nhật Bản.
Tem truy xuất nguồn gốc: Tấm vé vào cửa của các thị trường khó tính
Ngày 12/6, lô hàng gần một tấn vải thiều Thanh Hà, Hải Dương có gắn tem truy xuất nguồn gốc của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) do Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ (Công ty Rồng Đỏ) xuất khẩu chính ngạch qua đường hàng không vào Pháp.
Trước đó, sản phẩm vải thiều Thanh Hà của Hải Dương có gắn tem truy xuất iTrace247 với thông tin được hiển thị bằng tiếng Anh, tiếng Nhật đã được xuất khẩu sang Singapore và Nhật Bản.
Tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 của Cục Xúc tiến Thương mại được đưa vào thí điểm cho thị trường nội địa từ tháng 3/2021 với các sản phẩm rau củ quả, trái cây từ tỉnh Hải Dương, Sơn La và Bắc Giang.
Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tem truy xuất có thể hiển thị được các ngôn ngữ theo yêu cầu của khách hàng, đáp ứng yêu cầu về minh bạch thông tin sản phẩm của thị trường nhập khẩu.
Đây là kết quả của nỗ lực từ nhiều bên, trong đó, đặc biệt là nỗ lực của doanh nghiệp khi cam kết về chất lượng, nỗ lực của các hợp tác xã và đơn vị sản xuất khi luôn đồng hành, tuân thủ đúng kỹ thuật, chỉ dẫn canh tác.
Ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty Rồng Đỏ cho biết, Rồng Đỏ đã và đang có chiến lược đưa sản phẩm trái cây có chất lượng của Việt Nam chinh phục các thị trường trên thế giới. Do vậy, tem truy xuất nguồn gốc thực sự làm tăng giá trị cho sản phẩm, nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp đối với bạn hàng, tăng niềm tin của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm.
“Khi quét thông tin về sản phẩm, chắc chắn khách hàng sẽ hiểu hơn về hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, về nguồn gốc xuất xứ và các thông tin khác về Việt Nam” - ông Thìn cho hay.
Với thông tin trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khách hàng sẽ có dịp trải nghiệm câu chuyện trọn vẹn về sản phẩm như vùng đất, con người, văn hoá… đây là những giá trị sẽ in sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng.
Đối với doanh nghiệp cung ứng hay những nhà sản xuất sản phẩm, ngoài việc hạn chế hàng giả, không rõ nguồn gốc và kém chất lượng, việc truy xuất nguồn gốc giúp khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.
Ngoài ra, việc xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả giúp doanh nghiệp, các tổ chức quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh; quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm; quản lý mối quan hệ tương tác trong nội bộ cũng như với các bên tham gia chuỗi cung ứng.
Tem truy xuất nguồn gốc còn được coi là kênh thông tin hai chiều trực tiếp tới khách hàng, giúp cho việc marketing sản phẩm đến với nhiều đối tượng, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Đối với công tác xuất khẩu và xây dựng hình ảnh quốc gia, những sản phẩm có giá trị, đáp ứng thị hiếu khách hàng, có thông tin đầy đủ và minh bạch sẽ có vai trò là những đại sứ hình ảnh của quốc gia. Người tiêu dùng từ việc ưa thích sản phẩm, sẽ tìm hiểu thêm thông tin về văn hoá, con người, hỗ trợ lan toả những giá trị khác cho sản phẩm và quốc gia.
“Cầm tay, chỉ việc” giúp nông dân thực hành truy xuất nguồn gốc
Để nâng cao nhận thức về truy xuất nguồn gốc cho những đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các hợp tác xã, các hộ canh tác, ngoài các hoạt động đào tạo trực tiếp, Cục Xúc tiến Thương mại đã phát triển bộ giáo trình điện tử về truy xuất nguồn gốc và sẽ tiến hành giảng dạy, hướng dẫn, tư vấn thông qua hình thức trực tuyến trên nền tảng của cục, bắt đầu từ tháng 8/2021.
Ngoài việc đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới ở việc minh bạch thông tin, thiết lập mối liên kết từ người tiêu dùng tới người nuôi trồng, giáo trình này còn giúp quảng bá hình ảnh về chính sách quản lý có chiến lược và trách nhiệm của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, về lâu dài, việc nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các đối tượng vẫn là hoạt động mang tính chiến lược nhằm ứng dụng công nghệ thông tin được hiệu quả.
“Để cho công tác “học” và “hành” luôn song hành, cục phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost) từng bước xây dựng kế hoạch hướng dẫn, đào tạo cho các hợp tác xã và doanh nghiệp; mặt khác, tiến hành hỗ trợ xúc tiến sản phẩm thông qua gian hàng “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.
Đây là các gian hàng hiện đang được cục triển khai trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo và Alibaba nhằm hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của các địa phương” - ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.