Gần 40.000 tấn vải Bắc Giang, Hải Dương đã được xuất khẩu
(DNTO) - Tính đến ngày 7 và 8/6, vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu hơn 19.000 tấn; vải thiều Hải Dương xuất khẩu khoảng hơn 20.000 tấn sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Úc…
Vải Việt Nam xuất khẩu tới hơn 10 quốc gia
Thông tin từ Bộ Công thương cho hay, đến hết ngày 7/6, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được khoảng 55.038 tấn vải, giá bình quân 12.000-32.000 đồng/kg (cá biệt giá thấp nhất 8.000 đồng/kg đối với vải chất lượng thấp; 58.000 đồng/kg đối với vải xuất khẩu đi Nhật).
Trong đó, lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước là 36.017 tấn qua các kênh phân phối chủ yếu như sau: chợ đầu mối tiêu thụ 19.529 tấn; siêu thị, trung tâm thương mại tiêu thụ 4.243 tấn; thương mại điện tử tiêu thụ 710 tấn; chế biến tiêu thụ 170 tấn; hệ thống thương nhân khác tiêu thụ 11.535 tấn.
Xuất khẩu vải thiều Bắc Giang đạt 19.021 tấn, trong đó thị trường Trung Quốc đạt 18.971 tấn; Nhật Bản đạt 45 tấn; Hoa Kỳ đạt 5 tấn.
Đối với tỉnh Hải Dương, đến ngày 8/6, vải thiều của tỉnh này đã thu hoạch và tiêu thụ từ 38.000-40.000 tấn. Riêng Thanh Hà đã thu hoạch khoảng 30.000 tấn. Giá vải vẫn duy trì ở mức cao, dao động từ 18.000-30.000 đồng/kg (giá tại vườn, tùy theo chủng loại và phương thức đóng gói). Vải thiều Thanh Hà luôn có giá cao hơn từ 10-15.000 đồng/kg so với các nơi khác.
Sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 50% tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ của tỉnh Hải Dương, tương đương 20.000-21.000 tấn. Thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu vẫn là khu vực phía Nam, TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương lân cận. Vải thiều của Hải Dương bán trong nước chủ yếu do các thương lái thu mua tập trung vào các chợ đầu mối (khoảng trên 15.000 tấn) sau đó phân phát tới các điểm bán lẻ trên toàn quốc và được bán tại hệ thống các siêu thị trên toàn quốc (khoảng trên 4.000 tấn).
Hiện vải thiều Hải Dương đã xuất khẩu tới trên 10 quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia… Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của vải thiều Hải Dương, chiếm khoảng 60-70% sản lượng xuất khẩu. Hải Dương hiện đã xuất khẩu được khoảng 19.000 tấn sang các thị trường Trung Quốc, Lào, Campuchia, riêng Trung Quốc chiếm khoảng 15.000 tấn.
Tính đến ngày 8/6 đã xuất khẩu đi Nhật trên 180 tấn. Thị trường Pháp, Hà Lan, Úc đã xuất khoảng 600 tấn. Các doanh nghiệp như Rồng Đỏ, Ameii, Chính Thu… đang thu mua và xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều tươi đi Nhật Bản và khoảng 4.000 tấn vải đi Mỹ, EU…
Chiều 7/6, một tấn vải thiều Thanh Hà đã được xuất sang châu Âu theo EVFTA và dự kiến lên kệ siêu thị tại đây trong 4-5 ngày tới. Lô vải đầu tiên này sẽ đi đường hàng không và "cập bến" Cộng hoà Séc, nơi có dân số đông và cộng đồng người Việt Nam lớn nhất nhì EU.
Doanh nghiệp vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ vải nội địa
Cũng theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện nhiều doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống chợ đầu mối vào cuộc cùng bộ hỗ trợ tiêu thụ vải tại thị trường nội địa.
Từ ngày 25-29/5, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) thu mua khoảng 600 tấn vải thiều. Từ ngày 29/5-5/6, tiếp tục thu mua khoảng 80 tấn vải thiều (2 container 32 tấn và 1 container 16 tấn). Ngoài ra, nhập vải thiều từ Chợ Thủ Đức để cung cấp cho khách hàng.
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Coop hiện đã làm việc với các hợp tác xã vải ở Bắc Giang, nhập về hơn 95 tấn vải đưa vào kinh doanh toàn hệ thống cả nước. Kế hoạch thu mua tập trung khoảng 200 tấn vải, các đơn vị tự thu mua và tiêu thụ khoảng 100 tấn, đã có kế hoạch tăng sản lượng hơn nữa và đang nghiên cứu, tìm kiếm phương án mua, xuất khẩu vải thiều sang Singapore.
Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam đã liên hệ với Bắc Giang, kế hoạch thu mua khoảng 300-500 tấn (vải, dứa, bí ngô, dưa hấu ) tiêu thụ trên cả nước. Từ đầu vụ đến nay đã tiêu thụ khoảng 60 tấn vải thiều (1 tuần tiêu thụ từ 8-10 tấn vải) và 2.000 quả dứa.
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco -VinEco (Vincommerce) đã làm việc với các hợp tác xã lớn ở Lục Ngạn để thu mua và xuất hàng đi tất cả các hệ thống Vinmart và Vinmart+ trên 64 tỉnh thành. Từ 25/5 đến nay, mỗi ngày công ty này tiêu thụ 7-10 tấn và cam kết tiêu thụ vải thiều đến hết mùa.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động (sở hữu chuỗi Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh) bắt đầu nhập vải thiều từ ngày 31/5, được 24 tấn, dự kiến sẽ thu mua tối đa 300 tấn/tháng.
Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Hệ thống Big C) đã thu mua vải thiều từ ngày 25/5 là 107 tấn vải (của Bắc Giang 52 tấn; của Hải Dương 55 tấn), dự kiến trong tháng 6 thu mua 350 tấn vải thiều; đối với các mặt hàng nông sản khác của Bắc Giang sẽ thu mua khoảng 150 tấn. Ngoài ra, trong tháng 6 dự kiến thu mua nông sản từ Hải Dương khoảng 140 tấn các mặt hàng (cà rốt, dưa hấu, vải,...).
Các hệ thống chợ đầu mối lớn ở TP.HCM hiện đang là kênh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều đắc lực cho các tỉnh miền Bắc.
Từ 25-31/5, Chợ đầu mối Hóc Môn nhập về 350 tấn nông sản (trong đó: Bắc Giang khoảng 100 tấn; Hải Dương khoảng 200 tấn; Đắk Lắk khoảng 50 tấn). Từ ngày 1-5/6, chợ tiêu thụ khoảng 150 tấn, chủ yếu là vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương và Lào Cai (khoảng 12-13 tấn). Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, chợ đã tiêu thụ 24.000 tấn nông sản của Hải Dương, gồm: cà rốt đạt 15.000 tấn, khoai tây đạt 4.500 tấn, su hào, bắp cải và bông cải đạt 3.600 tấn.
Từ đầu mùa vải thiều, Chợ đầu mối Thủ Đức tiêu thụ 2.575 tấn vải Bắc Giang; 1.919 tấn vải Hải Dương. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay lượng nông sản của tỉnh Bắc Giang tiêu thụ tại đây là 3.951 tấn; Hải Dương là 21.081 tấn.
Chợ đầu mối Bình Điền tiêu thụ 300 tấn vải Bắc Giang, Hải Dương từ đầu vụ.
Ngoài ra, để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại các địa phương, ngày 1/6 vừa qua, Bộ Công thương đã thiết lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.