Nông sản Việt Nam mới chiếm 1% nhu cầu tiêu thụ tại EU

(DNTO) - Là người thúc đẩy cho quả xoài xuất sang Mỹ, song Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận nông sản Việt còn yếu thế, chỉ chiếm 1% nhu cầu tiêu thụ tại EU, lại chỉ bán chủ yếu tại cửa hàng gốc Á chứ "chưa đường bệ" vào siêu thị các thị trường Âu, Mỹ.

Nông sản Việt mới chỉ chiếm 1% trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của EU, mà lại bán chủ yếu ở các cửa hàng gốc Á. Ảnh: TL.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ như trên khi tham dự Tọa đàm với chủ đề: “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” diễn ra chiều 28/10.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhớ lại thời gian còn làm lãnh đạo địa phương, ông cũng rất chú trọng công tác truyền thông khi đưa quả xoài Đồng Tháp sang Mỹ, bán được giá cao hay sau đó quả vải, thanh long… của Việt Nam lần lượt “xuất ngoại”.
Theo ông, vui thật, cảm xúc thật nhưng "chạnh lòng' vì lâu lâu mới được vài thương vụ, đa phần bán ở cửa hàng người gốc Á như người Việt, người Thái Lan chứ chưa đi vào hệ thống chính quy của họ để định hình thương hiệu nông sản của một quốc gia. Một đại sứ ở EU đã nói rằng nông sản của Việt Nam mới chỉ là 1% trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của EU.
Trước đó, trong chuyến công tác châu Âu với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Hoan cũng chứng kiến cảnh hoa quả của Việt Nam chủ yếu bán ở cửa hàng của người Thái Lan.
“Nghĩa là chúng ta chưa đi đàng hoàng đường bệ mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro hoặc là bán trong cộng đồng người Việt. Chúng ta phải đưa nông sản của mình vào được hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia, từ đó mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng mới biết đến. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, phải có chiến lược hẳn hoi, phải mất nhiều năm nữa, không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp mà vội vã nói chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường”, ông Hoan cho hay.
Nêu nguyên nhân khiến nông sản Việt khan hiếm tại kệ hàng "trời Tây", ông Hoan cho rằng, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu, diện tích vùng nguyên liệu sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ còn ít. Công tác bảo quản chế biến sau thu hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ hàng kiểm tra không đạt yêu cầu MRL còn cao.
Bên cạnh đó, thiết kế bao bì, đóng gói, mẫu mã, vật liệu bao gói chưa phù hợp với thị hiếu, xu hướng tiêu dùng EU. Mặt khác, chi phí logistics quá cao, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU còn khiêm tốn, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp…. Các chương trình quảng bá, xây dựng thương hiệu rau quả tại thị trường EU còn rời rạc và khá mờ nhạt.
Tuy nhiên, đánh giá tổng quan về xuất khẩu nông sản, rau quả, ông Hoan khẳng định, dư địa thị trường xuất khẩu còn rất lớn. Vấn đề ở chỗ cách thức nào để tăng tốc trong thời gian tới? Ông Hoan đặt câu hỏi và nhận định, hiện nay đã có những doanh nghiệp tiên phong mở đường xuất khẩu sang thị trường này.
"Đã đến lúc chúng ta cần đi theo cách khác. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Việc thành lập Hội doanh nghiệp xuất khẩu rau quả sang EU sẽ giúp rau quả đi xa hơn”, ông Hoan nhận định.
Cũng theo ông Lê Minh Hoan, chúng ta đang thiếu chiến lược tổng thế xuất khẩu rau quả sang thị trường EU khi nông dân tư duy mùa vụ, doanh nhân tư duy thương vụ và chính quyền tư duy nhiệm kỳ.
Khẳng định biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới, đang là những yếu tố dẫn dắt thị trường xuất khẩu. Do đó, ông Lê Minh Hoan đề nghị, cần chiến lược tổng thể xuất khẩu rau quả sang thị trường EU.
Trong đó, cần sự vào cuộc của các bộ ngành trung ương, các địa phương, các cơ quan thương vụ nước ngoài và các doanh nghiệp xuất khẩu và cả người nông dân. Hướng tới xây dựng thương hiện nông sản Việt không chỉ tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn môi trường, tiêu dùng xanh. Có như vậy mới có thể xuất khẩu bền vững.