Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Sẽ xây dựng sàn giao dịch nông sản của cả nước
(DNTO) - "Các Sở NN&PTNT tiếp tục nắm sát các đầu mối nông sản, để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp. Không để tồn tại nghịch lý là địa phương nói còn hàng rất nhiều, nhưng doanh nghiệp lại "khát" nguyên liệu sản xuất", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu.
Tại Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản khu vực Tây Nguyên ngày 25/9, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn về vận chuyển, lưu thông, khiến nhiều nông sản chủ lực với số lượng lớn của tỉnh như bơ, sầu riêng ùn ứ, tiêu thụ chậm.
Cụ thể, ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trong tháng 9 và tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh rất cần tìm "đầu ra" cho khoảng 7.000 - 9.000 tấn bơ; sầu riêng quả tươi khoảng 12.000-15.000 tấn.
Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, từ tháng 9 - 12/2021, mặt hàng rau củ, quả khoảng trên địa bàn tỉnh khoảng 1.100.000 tấn; sản lượng bơ khoảng 12.000 tấn; sản lượng sầu riêng khoảng 20.000 tấn, mong muốn kết nối tiêu thụ với thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như kết nối xuất khẩu.
Trong khi đó, ông Hồ Phước Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết, từ nay đến cuối năm trên địa bàn tỉnh, rau các loại sản lượng dự kiến khoảng 8.315 tấn; đậu đỗ các loại sản lượng 10.470 tấn; khoai lang sản lượng 10.309 tấn; hàng ngàn ha cây ăn trái như bơ, sầu riêng, chanh dây, chuối, thanh long..., đang rất cần tìm kênh phân phối.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc cũng đề nghị phía Tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) kết nối tiêu thụ 20.000 – 23.000 tấn sầu riêng và khoảng 10.000 tấn bơ đang ứ đọng.
Trước thực trạng trên, để giải bài toán tiêu thụ nông sản, ông Hồ Phước Thành cho rằng, cần có sàn kết nối các tổ công tác của các tỉnh để có mối quan hệ thường xuyên để kết nối người mua và người bán. Qua đây tạo nơi mua bán thường xuyên cho các bên có nhu cầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp, Tổ công tác 970 cũng như các doanh nghiệp cần quan tâm đến khâu tiêu thụ, đầu tư xây dựng chuỗi siêu thị, cơ sở chế biến những sản phẩm chủ lực giá trị cao của tỉnh. Bên cạnh đó hỗ trợ công tác vận chuyển, hỗ trợ thông tin nhu cầu tiêu dùng để tỉnh có thể chủ động chỉ đạo sản xuất.
Về dài hạn, ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị các bộ ngành có chương trình, đề án, chính sách để thúc đẩy liên kết vùng, kết nối sản xuất, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ trực tuyến và đặc biệt là tăng cường chất lượng chế biến sâu cho nông sản của tỉnh.
Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, các sản phẩm của Tây Nguyên có rất nhiều đặc sản và có mặt tại nhiều siêu thị lớn của cả nước. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm như sầu riêng, bơ thì nhiều người tiêu dùng còn chưa biết khi nào ăn được, ăn ngon nhất. Hay sản phẩm trái cây cần phải đảm bảo độ già để tránh ảnh hưởng đến uy tín của cả hai bên với người tiêu dùng.
“Muốn giải quyết được vấn đề này, cần có sự liên kết, tư vấn từ nhà sản xuất với nhà bán lẻ, khi thực hiện được điều này thì thương hiệu của cả 2 bên đều được nâng lên trong lòng người tiêu dùng”, bà Vũ Thị Hậu chỉ ra.
Ngoài ra, bà Hậu cũng gợi ý về việc xây dựng những gian hàng OCOP vùng miền đặc trưng để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm hơn, đặc biệt Tây Nguyên là khu vực có nhiều sản phẩm như vậy. “Rất mong các địa phương, ngoài mong muốn tiêu thụ sản phẩm thì cần tạo điều kiện cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ lưu thông hàng hóa được thuận tiện, giảm chi phí trung gian”, bà Hậu kiến nghị thêm vì chi phí tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của khối bán lẻ.
Trước các kiến nghị của các địa phương và doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nắm rõ đầu mối nông sản để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp.
"Không để tồn tại mâu thuẫn là địa phương nói còn hàng rất nhiều, nhưng doanh nghiệp lại kêu thiếu nguyên liệu sản xuất", Thứ trưởng nêu rõ và nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng sàn giao dịch nông sản của cả nước.
"Để sàn giao dịch hoạt động có hiệu quả và kết nối tốt người mua và người bán, đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo sát sao để cập nhật các thông tin về tình hình sản xuất, các địa chỉ vùng trồng cũng như đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Qua đó đem lại lợi ích giữa người sản xuất cũng như doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ", Thứ trưởng Nam đề nghị.