Đa dạng hoá hình thức cung ứng để hàng hóa, nông sản nhanh chóng đến tay người dân
(DNTO) - Hiện nay, năng lực sản xuất các mặt hàng nông sản, thủy sản khá ổn định song cần linh hoạt, đa dạng các hình thức cung ứng để "đường đi" của nông sản đến với người dân bớt nhọc nhằn hơn.
Chỉ giao được 30% đơn đặt hàng
Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến Thúc đẩy kết nối cung cầu thực phẩm, ngày 11/9, ông Trần Minh Hải, thành viên Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chia sẻ, qua gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực phẩm của nhiều địa phương đã bị đứt gãy, dẫn đến tình trạng một số loại nông sản tiêu thụ rất chậm và ùn ứ cục bộ.
"Việc triển khai gói combo nông sản với sự kết nối từ Tổ Công tác 970 và các địa phương có kết quả rất khả quan. Mỗi ngày, doanh thu đặt hàng từ gói combo nông sản đạt 1-1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng giao hàng gói combo nông sản chỉ đạt 20-30% do việc đi lại còn khó khăn", ông Hải nhận định.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương cho biết, thông qua gói combo nông sản, tình hình tiêu thụ ở Bình Dương đã được cải thiện nhưng số lượng tiêu thụ chưa lớn. Do sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản, nhiều mặt hàng ở Bình Dương rơi vào tình trạng dư thừa.
"Hiện mỗi ngày, tỉnh bị tồn hơn 2 triệu quả trứng gà, 200.000 quả trứng cút; khoảng 80 tấn dưa lưới, 70 tấn chuối và 30 tấn chanh không hạt. Đặc biệt, các sản phẩm rau ăn lá đang dư thừa nhiều và gặp khó khăn trong tiêu thụ", ông Bông thông tin.
Tương tự, Đồng Nai cũng có 3 nhóm nông sản có nguy cơ khó tiêu thụ. Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, trái cây của tỉnh đang còn dư khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam, quýt, 800 tấn củ đậu. Rau củ quả thì dư khoảng 1.000 tấn.
Tại Gia Lai, ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cũng cho biết, 1.500 ha rau với sản lượng 25.000 tấn đang thu hoạch. Cùng với đó còn có 7.500 ha trái cây, chủ yếu là bơ, sầu riêng, nhãn và hơn 1.000 ha khoai lang… vẫn bế tắc đầu ra.
Theo đó, lãnh đạo sở Nông nghiệp các địa phương đều mong muốn có thể sớm kết nối để tiêu thụ lượng nông sản này.
Trước thực trạng hàng hoá, nông sản khó khăn, ách tắc trong khâu lưu thông tại nhiều địa phương, ông Trần Minh Hải nhìn nhận, việc lưu thông đã được thông suốt ở các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, nhưng khi tới các xóm lộ, ấp lộ thì lại gặp vướng, gây khó khăn trong việc thu mua và tiêu thụ nông sản. Do đó, ngành nông nghiệp các địa phương cần lưu ý và có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Cần đa dạng hoá hình thức cung ứng
Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành Nông nghiệp đang nỗ lực để nâng cao năng lực cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
'Điểm chung trong việc tiêu thụ nông sản của các tỉnh, thành hiện nay chủ yếu do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thông qua các chợ đầu mối lớn, đặc biệt là các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh", ông Hải nhận định.
Theo đó, ông Hải cho rằng, thời gian tới, Tổ Công tác 970 sẽ mở rộng mô hình, đưa số liệu trực tiếp từ nhà cung cấp đến các điểm đặt hàng để hai bên tự thương lượng điểm giao hàng. Phương án này giúp người mua, người bán kết nối trực tiếp với nhau, không phải qua trung gian nên chi phí vận hành thấp, giá bán “mềm” hơn và thời gian giao nhận cũng nhanh hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group nhận xét, sự thiếu liên kết giữa các hợp tác xã thu mua, không liên kết thông tin được các mặt hàng, hàng nào cần, thiếu, đủ thế nào… nên mới nảy sinh tình trạng người dân không có dùng, nhà nông lại không bán được hàng.
“Chúng tôi với tư cách đại diện doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn, có hạ tầng và lực lượng công nhân, đại diện cắm tại các địa phương sản xuất nông sản, có thể giúp kết nối các đơn vị có nhu cầu, với hạ tầng có sẵn, giúp đóng gói đạt chuẩn hàng hóa của nông dân trước khi giao cho các hệ thống phân phối. Điều này giúp bà con nông dân được tiêu thụ nhanh sản phẩm, dễ dàng hơn với chi phí rất rẻ. Bởi nay đòi hỏi nhà nông sơ chế, đóng gói siêu thị mới mua thì rất khó và chi phí đội lên nhiều. Trong khả năng và điều kiện sẵn có làm hàng xuất khẩu, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa kết nối giữa nhà nông và siêu thị tiêu thụ sản phẩm trong mùa dịch này”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, bên cạnh sự kết nối, hỗ trợ từ Tổ Công tác 970, các địa phương phải chủ động tập hợp đầu mối và nắm bắt nhu cầu của thị trường để tham gia hiệu quả việc cung ứng cho các tỉnh, thành có nhu cầu, đồng thời phải thúc đẩy lưu thông tiêu thụ tại chỗ.
"Sở Nông nghiệp mỗi tỉnh, thành đều phải thành lập và duy trì hoạt động tổ kết nối tiêu thụ nông sản, nắm vững chi tiết về mặt hàng, sản lượng, thời điểm thu hoạch không chỉ trong và cả sau dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho việc tiêu thụ nông sản của địa phương", Thứ trưởng Nam nêu rõ.
Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp cho cả cơ quan quản lý lẫn nông dân, không chỉ sản xuất và bán thứ mình có mà phải điều chỉnh quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi gắn với thị trường đầu ra.