TP.HCM: Đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động, chuẩn bị nguồn nhân lực “xanh” để tái sản xuất
(DNTO) - Có 3 nhiệm vụ trọng tâm được Sở Công thương TP.HCM đưa ra, trong đó có nhiệm vụ đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động, nhằm chuẩn bị nguồn "nhân lực xanh" cho thành phố tái sản xuất thời gian tới.
Ba nhiệm vụ trọng tâm được Sở Công thương TP.HCM đưa ra hôm nay, 11/9, bao gồm: Khẩn trương hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố; đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp tiêm vaccine nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực “xanh” để tái sản xuất.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai, Sở sẽ phối hợp UBND các quận - huyện, TP. Thủ Đức triển khai phương án đi chợ 1 tuần/lần cho người dân tại địa bàn quận 7 và huyện Củ Chi; tổ chức rà soát, đánh giá tình hình các chợ truyền thống đang hoạt động, nghiên cứu đề xuất phương án mở lại các chợ vào thời điểm phù hợp; nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời cho hoạt động của các hệ thống phân phối trên địa bàn.
Nhiệm vụ thứ ba, tiếp tục phối hợp Công an Thành phố rà soát bổ sung, tổ chức cấp giấy đi đường cho các đối tượng theo quy định; hỗ trợ gia tăng lực lượng shipper (theo lộ trình) để bổ sung lực lượng giao nhận hàng hóa ăn, uống mang về.
Cũng theo thông tin từ Sở Công thương, qua 18 ngày tiếp tục triển khai thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội (từ 23/8 đến nay) theo phương châm “ai ở đâu thì ở đó”, tình hình giao thương hàng hóa lương thực thực phẩm trên địa bàn thành phố trong thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với hoạt động cung ứng, phân phối lương thực thực phẩm đến với người dân.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 8/2021 ước đạt 24.188 tỷ đồng, giảm 15,93% so với tháng trước, và giảm 49,3% so với tháng 8/2020; trong đó doanh thu bán lẻ mặt hàng lương thực, thực phẩm tháng 8 ước đạt 6.992 tỷ đồng, giảm 7,95% so với tháng trước, và giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong thời gian qua, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ” do Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Tổ dân phố...), các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ thực hiện với tần suất 1 lần/tuần, và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).
Phương thức đặt hàng bao gồm phát phiếu trực tiếp đến hộ gia đình; điện thoại, nhắn tin đặt hàng qua hotline, group Zalo…, đến các đường link ứng dụng mua hàng trực tuyến.
Theo đó, từ ngày 23/8 đến ngày 10/9, tổng số hộ đã đăng ký “đi chợ hộ” là: 1.693.834 hộ, chiếm 67,31% tổng số hộ dân sinh sống trên địa bàn. Tổng số hộ đã được cung ứng hàng hóa là: 1.666.772 hộ, tỷ lệ giải quyết đơn hàng đạt 98,4% so với nhu cầu đăng ký.
Song song với phương thức “Đi chợ hộ”, Sở Công thương đã triển khai nhiều biện pháp bổ trợ khác như tổ chức bán hàng lưu động; triển khai Dự án chợ Nghĩa tình (lũy kế đến nay đã tiếp nhận 22.524 đơn hàng của 13.034 hộ, với tổng giá trị hàng hóa đã tiêu thụ ước tính hơn 6,1 tỷ đồng)…
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công thương, thành phố hiện có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa, trong đó có 92 siêu thị, 9 chợ truyền thống và hơn 2.100 cửa hàng tiện ích còn hoạt động.
Với chủ trương mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, việc bổ sung thêm các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian tới (như nới khung giờ hoạt động của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; cho phép người dân tại các khu vực kiểm soát tốt dịch được đi chợ 1 lần/tuần; mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối; đặc biệt là cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi…), sẽ tiếp tục giải quyết bài toán quá tải trong cung ứng hàng hóa cho người dân.
Ngày 10/9, Công an TP.HCM có văn bản gửi công an các đơn vị, địa phương cho phép nhân viên hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm (được cấp giấy đi đường), nhân viên giao hàng shipper (di chuyển trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức), nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị vật tư y tế được phép lưu thông từ 5g đến 21g30 hàng ngày.
Đơn vị này giao Trưởng Công an quận 7 và huyện Củ Chi phối hợp tham mưu cho Chủ tịch UBND xây dựng phương án tổ chức cho người dân được phép đi chợ 1 lần/tuần đảm bảo yêu cầu kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Song song đó, Công an TP.HCM yêu cầu Công an quận 8, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức xây dựng phương án bố trí lực lượng kiểm soát lưu thông, đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện các quy định về an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức.
Ngoài ra, Công an TP.HCM cũng giao Phòng PC08, Công an cấp huyện, xã phối hợp thẩm định điều kiện đăng ký hoạt động của các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính viễn thông...