Lý do đằng sau việc EU liên tục 'tuýt còi' nông sản Việt
(DNTO) - Không thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhiều sản phẩm nông sản Việt bị thị trường EU từ chối do không đảm bảo chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện, EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam mới chiếm 1% nhu cầu trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của châu Âu, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Không chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ tại thị trường này, chỉ riêng từ đầu năm đến nay, Văn phòng SPS Việt Nam và Bộ Công thương liên tục nhận được thông tin về việc EU "tuýt còi" nhiều mặt hàng nông sản từ Việt Nam.
Điển hình như sản phẩm đùi ếch đông lạnh của Công ty TNHH Thương mại và Chế biến thực phẩm Ngọc Hà đã bị Pháp thu hồi, Thụy Sỹ tiêu hủy do chứa chất cấm nitrofurans (furazolidone) mức dư lượng 17 µg/kg-ppb.
Sản phẩm bưởi của nhà sản xuất “Nguyen Truc Thuy” (Bạc Liêu) cũng bị Na Uy thu hồi do chứa chất cấm propargite 0,23 ppm và fenobucarb 0,032 ppm vượt ngưỡng cho phép. Lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng tại Bỉ cũng được doanh nghiệp Việt Nam chủ động thu hồi do có dư lượng tricyclazolevượt vượt mức cho phép.
Cùng với đó là nhiều sản phẩm nông sản như chôm chôm, mộc nhĩ khô, hạt tiêu đen, bột quế và sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU cũng bị cảnh báo dư lượng các chất có hại.
Lý giải về nguyên nhân nông sản Việt Nam chưa thuận lợi khi tiếp cận thị trường EU, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại tại Vương quốc Anh chia sẻ trong Phiên tư vấn: Global Gap - Hộ chiếu tiếp cận thị trường nông phẩm châu Âu chiều 19/11 rằng, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn thiếu hiểu biết về tiêu chuẩn kỹ thuật GlobalGAP đối với hàng nông phẩm. Trong hơn 10 năm làm việc tại các nước EU như Pháp, Bỉ, Anh, ông Cường cho biết, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu EU đều đòi hỏi hàng nông phẩm phải đạt tiêu chuẩn này.
“Khi được hỏi về tiêu chuẩn sản xuất nông sản, nhiều doanh nghiệp Việt rất tự tin rằng mình có thể đáp ứng yêu cầu nhà nhập khẩu mong muốn do sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, đối tác họ chỉ cười và nói rằng không biết tiêu chuẩn VietGap là gì, vì họ mong muốn tiêu chuẩn GlobalGAP. Như vậy doanh nghiệp Việt hết cơ hội”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Huy, chuyên gia GlobalGAP tại Eurofins Group (tập đoàn sở hữu hệ thống 800 phòng kiểm định, phân tích chất lượng sản phẩm tại 50 quốc gia) cho biết, rất nhiều doanh nghiệp Việt hiện đã chú ý đến việc cần có tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu. Tuy nhiên, đa phần vẫn coi đây chỉ là giấy thông hành chứ chưa phải tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hành sản xuất một cách khoa học.
“Gần đây, chúng tôi nhận được yêu cầu tư vấn của khách hàng mong muốn có tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu sang châu Âu. Đơn cử như một doanh nghiệp xuất khẩu chuối đã từng xuất khẩu khá ổn định, nhưng gần đây do đối tác yêu cầu buộc phải có tiêu chuẩn GlobalGAP, nên doanh nghiệp này mới nghĩ đến việc này.
Họ gọi điện đến công ty tôi và yêu cầu làm sao phải có GlobalGAP trong 3 tháng, tốt nhất là 2 tháng. Khi chúng tôi hỏi quy trình sản xuất, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của họ như thế nào, họ trả lời rất ngắn gọn rằng việc đó họ đã có nhiều kinh nghiệm rồi, đơn vị tư vấn không cần quan tâm”, ông Huy chia sẻ.
Cũng theo ông Huy, điều này liên quan đến nhận thức vì nhiều doanh nghiệp cho rằng GlobalGAP chỉ là tờ giấy cần để đưa cho khách hàng, và như thế là đủ. Nếu may mắn, doanh nghiệp có thể thuận lợi xuất khẩu vài lô hàng do chọn lọc kỹ lưỡng, tuy nhiên nếu xuất khẩu lâu dài, năm này qua năm khác mà không có hệ thống quản lý kiểm soát đảm bảo chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì dù có chứng nhận GlobalGAP cũng không có ý nghĩa.
Cũng theo Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường, việc xuất khẩu nông phẩm Việt Nam sang châu Âu tuy khó nhưng vẫn tăng trưởng trong những năm trở lại đây. Điều này chứng minh nhiều doanh nghiệp đã biết cách đáp ứng nhu cầu của đối tác. Số doanh nghiệp chưa thể đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu do trước kia chủ yếu tập trung phục vụ thị trường trong nước, châu Phi hay châu Á, những thị trường không quá khó tính nhưng lợi nhuận cũng không cao.
“Việc xuất khẩu sang châu Âu khó nhưng không phải không thể làm được. Nếu đáp ứng được tiêu chuẩn, thì đây là một thị trường tiềm năng và lợi nhuận cao cho nông phẩm Việt Nam”, ông Cường nói.
GlobalGAP là một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật được xây dựng để áp dụng cho sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho các nông sản trên phạm vi toàn cầu, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như đảm bảo an toàn, sức khỏe, phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường.
Những sản phẩm đạt GlobalGAP sẽ dễ dàng tiêu thụ ở mọi thị trường trên thế giới; thậm chí, ở một số nước, sản phẩm GlobalGAP sẽ cho lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, do các tiêu chí GlobalGAP khó thực hiện nên một số nước đã dựa vào đó để xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng để phù hợp với tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu dùng tại địa phương.
Tại Việt Nam, dựa trên GlobalGAP, năm 2008, tiêu chuẩn VietGAP đã được xây dựng nhằm quản lý sản xuất trong ngành nông nghiệp.