Để kích cầu tiêu dùng thị trường Tết Nhâm Dần 2022, doanh nghiệp cần làm gì?
(DNTO) - Kích cầu tiêu dùng được coi là "vũ khí" để doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn nước rút. Thế nhưng, đây lại là bài toán khó đặt ra cho doanh nghiệp khi thu nhập của người dân giảm, mà giá cả lại tăng cao. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã có nhưng khuyến nghị gợi mở về vấn đề này.
Dự báo sức mua thị trường Tết giảm từ 10-20% so các năm trước
Hiện tại, Tết Nhâm Dần 2022 chỉ còn khoảng 2 tháng, tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Trước tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp, hệ thống cung cấp hàng hoá tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã nhanh chóng tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu mua sắm những tháng cuối năm. Cụ thể, tại trung tâm thương mại Big C Thăng Long, nhiều chủ cửa hàng, quần áo thời trang... đã phải đồng loạt treo biển giảm giá, khuyến mãi sâu từ 50 - 70%, thế nhưng lượng khách đến mua vẫn nhỏ giọt, sức mua tụt mạnh so với thời điểm trước dịch bệnh.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sức mua trong thời điểm này chưa có được sự bứt phá do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến mức thu nhập của người dân.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý III/2021 giảm mạnh, còn 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý II/2021 và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động quý III/2021 thấp hơn đáng kể so với quý II/2020 (giảm 300.000 đồng); trong khi quý II/2020, đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trước tình trạng trên, nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn như Ba Huân, Vissan… dự báo, sức mua của thị trường sẽ giảm trong dịp Tết Nhâm Dần từ 10%- 20% so với các năm trước.
Nếu thị trường không ổn định được giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... trong dịp tết, đây thực sự là một khó khăn đối với người tiêu dùng, nhất là những gia đình nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng do đại dịch thu nhập bị giảm sút mạnh trong những tháng qua. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp phải tìm cách vượt qua trong thời gian sắp tới.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Theo đó, kích cầu tiêu dùng đang là bài toán khó đặt ra cho doanh nghiệp. Trao đổi với Doanh Nhân trẻ Online, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, tuy sức mua giảm nhưng nhu cầu của gần 100 triệu dân vẫn rất lớn. Điều quan trọng là nhu cầu có khả năng thanh toán của từng gia đình mới tạo ra doanh số cho các đơn vị kinh doanh thương mại trên thị trường nội địa.
"Chúng ta rất vui mừng vì Chính phủ đã bỏ ra 10,5 tỉ USD tương đương với 2,85% GDP của cả nước, đồng thời trong tương lai vài tháng tới sẽ có những quyết sách để chi hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với một số tiền lớn hơn trước đây", ông Phú nhận định.
Cũng theo ông Phú, phục vụ cho thị trường tiêu dùngTết Nhâm Dần đòi hỏi cần có nhiều cố gắng hơn so với những cái tết bình thường khác. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp củng cố thêm cho thương hiệu của mình, tạo niềm tin cho khách hàng thân thích.
"Cánh cửa của siêu thị phải mở rộng để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, nhất là hàng hóa Việt Nam được đứng trên kệ một cách đàng hoàng, ko phải chịu những o ép ko đáng có khi tiếp cận với một số siêu thị", ông Phú nói.
Kích cầu tiêu dùng sao cho hiệu quả ?
Qua kinh nghiệm các năm quan sát trên thị trường, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, các tuần lễ kích cầu, các tháng khuyến mãi được tuyên truyền rầm rộ với số lượng hàng nghìn doanh nghiệp tham gia. Song, điều mà dư luận xã hội quan tâm đó là kích cầu sao cho có hiệu quả, những giá trị và hiện vật mà người tiêu dùng tham gia mua hàng được hưởng thêm lợi ích một cách thực chất đó là vấn đề cần phải quan tâm.
Theo ông Phú, ngoài những ưu điểm của các đợt kích cầu khuyến mãi trong thời gian trước đây, thì vẫn còn những khiếm khuyết không phải là ít trong quá trình thực hiện vấn đề này. Việc vi phạm quyền lợi của người mua hàng vẫn còn khi tham gia mua hàng khuyến mại kể cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online mà báo chí, dư luận xã hội đã lên tiếng.
Theo đó, để kích cầu hiệu quả, ông Phú cho rằng: "Các cơ quan tổ chức khuyến mại cần lựa chọn những đơn vị tham gia làm ăn tử tế, có trách nhiệm, có thương hiệu và có niềm tin của người tiêu dùng từ trước đến nay, tiếp theo đó phải rà soát các mặt hàng tham gia khuyến mại, các hình thức khuyến mại mà nhà nước cho phép. Đó là cơ sở để trong đợt khuyến mại các lực lượng quản lý thị trường công an kinh tế kiểm tra đánh giá và kết luận, tìm ra một cách chính xác những đơn vị nào làm tốt, chưa tốt cần khắc phục".
Về công tác quản lý thị trường giá cả và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần được đặc biệt quan tâm, bởi nhu cầu mua sắm tăng gấp mấy lần lúc bình thường. Chính vì vậy việc quản lý thị trường để bảo vệ quyền lợi tiêu dùng là hết sức cần thiết. Chống hàng lậu hàng giả phải làm từ biên giới hải đảo, không để hàng vào nội địa thì kiểm soát đã quá muộn và ko hiệu quả. Quản lý thị trường cần có trách nhiệm cao để nhặt những hạt sạn gây tâm lý bất ổn về giá cả thị trường và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Về đợt kích cầu cuối năm 2021, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, điều người tiêu dùng quan tâm là những mặt hàng kích cầu phải thiết thực hơn, nhằm vào những mặt hàng thiết yếu, phù hợp với điều kiện sức mua xã hội còn thấp do dịch dã. Nếu thời gian khuyến mãi kích cầu hàng tháng thì nên có những đợt sơ kết đánh giá hàng tuần để làm cơ sở cho việc tổng kết cả đợt khuyến mại kích cầu.
"Khuyến mãi kích cầu không chỉ dành riêng cho người tiêu dùng ở một tỉnh thành nào đó mà phải tạo thành những đợt khuyến mại kích cầu thường xuyên trong năm của doanh nghiệp để khách hàng gần xa lui tới mua hàng, kể cả khách du lịch nước ngoài", ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, muốn thu hút được khách hàng thì phải lưu ý yếu tố quan trọng nhất là giá cả hợp lý thấp hơn giá thị trường trước khi có đợt khuyến mại, và yếu tố thứ 2 là chất lượng hàng hóa tham gia khuyến mại và chất lượng hàng hóa hiện vật tham gia tặng cho khách hàng.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần tạo dựng được thương hiệu của mình trong đợt khuyến mại cũng như khi doanh nghiệp kinh doanh bình thường cả năm.
"Đừng để mất niềm tin của người tiêu dùng qua đợt khuyến mại, bởi mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa kinh doanh, văn hóa khuyến mại phải đặt lên hàng đầu. Hàng hóa có thể có lúc chưa đầy đủ để đáp ứng nhu cầu, nhưng thái độ phục vụ, tính chuyên nghiệp trong bán hàng phải được đề cao thường xuyên", ông Phú khuyến nghị...