Thấy gì đằng sau câu chuyện lạm phát?
(DNTO) - Mặc dù giá cả đang tăng phi mã, nhưng mục tiêu lạm phát dưới 4% mà Chính phủ đặt ra cho năm nay vẫn cơ bản nằm trong tầm kiểm soát. Điều cần quan tâm hiện nay, phải làm sao tạo được sức đẩy cho nền kinh tế tăng trưởng, đừng quá lo ngại về lạm phát khiến nền kinh tế "chết đói".
Ngay ở thời điểm hiện tại, giá nhiều loại hàng hóa, chi phí sản xuất, vận chuyển đã nhanh chóng "leo thang" sau nhiều lần liên tiếp tăng giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào.
Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên tại chợ Long Biên (Hà Nội) sáng 24/11, nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đã đồng loạt tăng giá. Nếu trước kia rau muống, mùng tơi, cải ngọt có giá 6.000 đồng/bó thì nay bị đội giá tới 15.000 đồng/bó, cá diêu hồng trước đây chỉ khoảng 60.000 đồng/kg, nay tăng lên khoảng 100.000 đồng/kg, cá trê tăng khoảng 20.000 đồng/kg lên hơn 80.000 đồng/kg. Giá sữa, gạo, dầu ăn cũng đồng loạt tăng trung bình 10%-30%...
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, giá cả hàng hoá và lạm phát toàn cầu đang nóng lên. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng CPI 10 tháng đầu năm 2021 ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm, song xu hướng lạm phát toàn cầu (dự báo ở mức 3,2% năm 2021 và 3,3% năm 2022 so với mức 2% năm 2020) đã và đang đặt ra nhiều băn khoăn về áp lực lạm phát đối với Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022.
Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, lạm phát nước ta vẫn trong tầm kiểm soát. Bởi lẽ, một trong những yếu tố cốt lõi làm lạm phát nóng lên là tỉ giá hối đoái tăng mạnh, thế nhưng nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam khá dồi dào. Điều đó thể hiện trong 2 tuần đầu tiên của tháng 11, giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm hơn 50 đồng/USD, chứng tỏ các các ngân hàng đang dư thừa ngoại tệ.
Do đó, giả sử khi đó tình hình Covid-19 tốt lên, doanh nghiệp ồ ạt nhập khẩu hàng hóa làm tăng nhu cầu USD, có thể tác động không tốt đến thị trường ngoại tệ, làm gia tăng lạm phát thì với gần 100 tỉ USD dự trữ, Ngân hàng Nhà nước có thể bán ngoại tệ ra thị trường nhằm ổn định tỉ giá hối đoái, đà tăng của lạm phát sẽ khựng lại.
Chưa kể, khi trong nước bắt đầu lo lạm phát vào năm 2022, lạm phát của các nước trên thế giới sẽ đi xuống do tác động này chỉ là tác động nhất thời, nên áp lực lạm phát từ bên ngoài vào Việt Nam sẽ giảm dần.
TS. Thắng cho rằng, điều đáng lo nhất hiện nay là khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại sau giãn cách trong tình trạng vốn yếu, tiềm lực mỏng, nên rất phấn khởi ngóng chờ các gói kích thích kinh tế sắp tới với các kế hoạch đầu tư, thì nay bỗng bị ám ảnh bởi “bóng ma” lãi suất tăng đột ngột... Điều đó có thể khiến các đại biểu Quốc hội, các bộ ngành ngại trách nhiệm, chùn tay, do đó cắt giảm đáng kể quy mô gói kích thích tài khóa tiền tệ đang được bàn thảo, lúc đó, mọi động lực tăng trưởng vừa chớm nở ngay lập tức sẽ bị dập tắt.
Nêu quan điểm của mình, TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6- 6,5% thì cần phải có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn, có thể lên tới 800.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 35 tỷ USD), trong đó ít nhất 1% GDP là tiền mặt.
"Lúc này là lúc phải chi tiền, vai trò của Nhà nước phải tăng lên. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là nằm ở chỗ này, vận dụng vào thời điểm này là phù hợp. Không thể có cơ hội nào vận dụng kinh tế Nhà nước là chủ đạo tốt nhất vào thời điểm này", ông Cung nêu ý kiến.
Ông Cung nhấn mạnh: Lạm phát, suy cho cùng, do nhiều tiền chạy theo ít hàng hóa. Theo đó, để tránh nguy cơ lạm phát, Chính phủ có thể cân nhắc khả năng triển khai chính sách “kích cầu từ phía cung”, thay vì vừa kích cầu lẫn kích cung trên diện rộng. Kèm theo đó, nếu Ngân hàng Nhà nước đặt ra các chính sách tạo kênh dẫn vốn hiệu quả đến nền kinh tế thực, lạm phát, nếu có, vẫn có thể được kiểm soát.
Riêng yếu tố tăng giá nhiên liệu, nguyên vật liệu từ nước ngoài rất khó thay đổi do hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nước trên thế giới đang phục hồi nên chúng ta phải chấp nhận mức giá cao ở một thời điểm nhất định. Thay vào đó, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất, kinh doanh sao cho tiết kiệm tối đa chi phí mà vẫn đạt hiệu quả tốt nhất có thể.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt giá cả, tránh tình trạng "té nước theo mưa"; tăng cường quản lý những mặt hàng do nhà nước định giá, mặt hàng thuộc diện phải kê khai giá, làm cho giá cả đi vào nền nếp, ổn định thị trường...