16 ngân hàng đã hỗ trợ hơn 15.559 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay theo cam kết
(DNTO) - Chiều 23/11, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tính từ ngày 15/7 đến 31/10, tổng tiền lãi giảm cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 của 16 ngân hàng là khoảng 15.559 tỷ đồng, đạt 75,48% so với cam kết, trong đó cao nhất là Agribank.
Thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất cho vay, áp dụng từ 15/7 đến hết năm 2021. Tổng tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Theo số liệu tổng kết của Ngân hàng Nhà nước về kết quả đạt được, tổng tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 đến 31/10/2021 của 16 ngân hàng đạt khoảng 15.559 tỷ đồng (tăng 3.323 tỷ đồng so với 30/9/2021, tương ứng tăng 27,16%), đạt 75,48% so với cam kết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, tổng số tiền lãi của Agribank giảm cho khách hàng là 4.996 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất gần 1,3 triệu tỷ đồng cho gần 3,2 triệu khách hàng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam giảm 3.055 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,14 triệu tỷ đồng cho 236.403 khách hàng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam giảm 2.739 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,21 triệu tỷ đồng cho 407.603 khách hàng.
Tổng số tiền lãi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam giảm cho khách hàng là 1.873 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,71 triệu tỷ đồng cho 685.573 khách hàng. Tại Ngân hàng TMCP Quân đội, tổng tiền lãi giảm cho khách hàng là 610 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 118.653 tỷ đồng cho 104.282 khách hàng. Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội giảm 328 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 133.435 tỷ đồng cho 34.684 khách hàng.
Các ngân hàng TMCP Kỹ thương, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng đã giảm lãi cho các khách hàng với tổng số tiền là 1.068,16 tỷ đồng để hỗ trợ các khách hàng...
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 182,14 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 29.596 tỷ đồng cho 20.652 khách hàng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 187 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 87.962 tỷ đồng cho 61.052 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 141,7 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 43.754 tỷ đồng cho 15.134 khách hàng; Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 124 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 42.890 tỷ đồng cho 3.639 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 95,06 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 42.079 tỷ đồng cho 6.309 khách hàng; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 135,95 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 45.743 tỷ đồng cho 41.863 khách hàng.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB): Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 22,57 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 10.837 tỷ đồng cho 8.541 khách hàng.
Trước làn sóng ồ ạt hạ lãi suất của các nhà băng, cho thấy "lời hứa" cứu doanh nghiệp của họ đã ngày càng "thực chất", chứ không phải hạ lãi suất "cho có" như các doanh nghiệp đã phản ánh trước đó.
Bên cạnh đó, việc chính thức sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 theo hướng rõ ràng hơn cả về thời điểm được cơ cấu cũng như kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ để phù hợp với thực trạng, từng đối tượng, loại hình, ngành nghề doanh nghiệp khác nhau, càng cho thấy sự hỗ trợ "thẩm thấu" hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước với doanh nghiệp, bởi khi điều chỉnh chính sách này, Ngân hàng Nhà nước muốn tính đến câu chuyện "dài hơi" hơn, khi không chỉ giảm bớt khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp trong thời điểm giãn cách, mà cả khi "bình thường mới", sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện để nhanh chóng phục hồi.
Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, chính sách điều hành của ngân hàng nhà nước tiếp tục góp phần tạo điều kiện thúc đẩy, khôi phục nền kinh tế nhanh nhất, hiệu quả nhất. Không để cho các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, phá sản, mà phải hỗ trợ doanh nghiệp.
“Khi dịch bệnh xảy ra, trên mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, ngân hàng đừng hỏi nhau lãi khủng thế nào, mà nên quan tâm mình đã chia sẻ với doanh nghiệp ra sao để giữ được những bạn hàng tốt. Đây là thời điểm ngân hàng cần "thắt lưng buộc bụng" để đồng hành với doanh nghiệp, chứ đừng nghĩ chỉ là câu chuyện lãi suất”, ông Tú nhận định và cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết của các ngân hàng thương mại để làm sao từ nay đến cuối năm những cam kết này sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp.