Ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi nợ xấu dưới 3%
(DNTO) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Ngoài ra, NHNN cũng quy định rất rõ về 3 trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp.
Bất chấp những rủi ro liên tục được cảnh báo trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng vẫn tăng mạnh với tổng lượng phát hành riêng lẻ đạt 422,45 nghìn tỷ đồng. Để hạn chế những “vết rạn” tiềm ẩn đang tồn tại, các cơ quan chức năng đã chính thức có hành động mới.
Cụ thể, một trong những nội dung quan trọng của Thông tư số 16 là tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu.
Ngoài ra, thông tư mới cũng quy định 3 trường hợp TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp gồm:
Thứ nhất, TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
Thứ hai, TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Thứ ba, TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Bên cạnh đó, các TCTD cũng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính TCTD đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Cũng theo Thông tư 16, đối với trái phiếu doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đã đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom, TCTD thực hiện việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật về việc trích lập, xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, TCTD thực hiện việc phân loại, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý rủi ro đối với số dư mua trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của NHNN Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD.
Bộ Tài chính vào cuộc loại bỏ doanh nghiệp "ma", vốn ảo
Cách đây không lâu, vụ việc nhà đầu tư dùng căn cước công dân giả để đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn "khủng" hơn 144 nghìn tỷ đồng bị phát giác đã khiến dư luận lo ngại về nguy cơ tái xuất của các doanh nghiệp "ma", vốn ảo. Những doanh nghiệp kiểu này có thể làm tổn hại đến các bên tham gia thị trường và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh, rất cần được các cơ quan quản lý có biện pháp ngăn chặn kịp thời, loại bỏ khỏi hệ thống.
Theo đó, trước đà tăng nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã thực hiện một số biện pháp kiểm tra mạnh tay hơn nhằm giám sát chặt chẽ thị trường này.
Cụ thể, trong 2 tháng gần đây, ngay sau khi tình hình dịch bệnh dần kiểm soát, Bộ Tài chính đã thành lập 10 đoàn công tác tới 10 công ty chứng khoán lớn trong hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu để kiểm tra doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng rà soát lại một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn; phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo; tình hình tài chính yếu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ vỡ nợ trên thị trường...
“Bộ Tài chính đang căng mình để thanh tra, kiểm tra. Bởi quan điểm của cơ quan quản lý là kỷ cương kỷ luật quan trọng nhất. Rủi ro thị trường là đương nhiên có, nhưng siết kỷ luật kỷ cương sẽ hạn chế được những rủi ro loại này. Đây cũng là điều mang lại niềm tin cho thị trường, hướng đến nâng hạng thị trường mà tiêu chí công khai minh bạch được đánh giá rất quan trọng”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh .
Tại buổi Tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thị trường chứng khoán 10 năm tới, hướng đến việc củng cố và nâng cao năng lực của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, đưa vào các dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực của các hiệp hội nghề nghiệp…
Theo đó, vai trò quản lý giám sát thị trường phải được nhấn mạnh, bảo vệ lợi ích chủ thể tham gia, thị trường minh bạch phát triển bền vững, nhà nước quản lý bằng hệ thống pháp luật, góp phần đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, san sẻ và hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng