Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: 'Dùng trái phiếu để đảo nợ sẽ gia tăng rủi ro cho nền kinh tế'
(DNTO) - Ngân hàng chính là “ông trùm” lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp mấy tháng qua, tuy nhiên, có hay không hiện tượng lợi ích nhóm để “lách” tín dụng hoặc đảo nợ... gây bất lợi cho nền kinh tế? Những lo ngại này sẽ được chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu giải đáp.
Ngân hàng mua chéo trái phiếu: Chỉ làm đẹp sổ sách chứ chưa mang tính thực chất?
Số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, các ngân hàng là "quán quân" phát hành trái phiếu, song có tới 82% lượng trái phiếu ngân hàng phát hành được bán cho tổ chức tín dụng khác và công ty chứng khoán. Hầu hết các công ty chứng khoán đều có mối quan hệ mật thiết với ngân hàng, nên “trùm cuối” mua lại hầu hết trái phiếu ngân hàng trên thị trường vẫn là các nhà băng.
Theo đó, chỉ trong vòng hơn 2 tháng gần đây, hàng loạt ngân hàng công bố huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ. Song, điều đáng nói ở đây là mặc dù lãi suất thấp hơn nhiều so với trái phiếu doanh nghiệp (3-7%/năm, trong khi trái phiếu doanh nghiệp lãi suất thường 10%/năm), nhưng toàn bộ trái phiếu riêng lẻ ngân hàng phát hành vẫn “cháy hàng”.
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ Online, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng lý giải, việc các ngân hàng vẫn rầm rộ mua chéo trái phiếu lẫn nhau có một số lý do.
Thứ nhất, thời gian qua, việc áp dụng giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 khiến một lượng lớn dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp không "chảy" về ngân hàng, nên các nhà băng phải tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ để bù đắp vào phần vốn bị thiếu hụt.
Thứ hai, trái phiếu ngân hàng có tính thanh khoản cao và rủi do rất thấp, nên cam kết trả nợ của ngân hàng hầu như là tuyệt đối. Tại thời điểm này, không có ngân hàng nào phá sản và Ngân hàng Nhà nước cũng luôn đứng sau "bảo kê" các nhà băng, để đảm bảo chi trả tiền cho khách. Trong khi đó, trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản dù lãi suất cao gấp 3-4 lần nhưng sẽ rất khó để nhà đầu tư kiểm soát được việc sử dụng tiền của những nhà phát hành trái phiếu này, bởi tỷ lệ sinh lời càng lớn thì rủi ro càng nhiều, cần "chọn mặt gửi vàng".
"Trái phiếu của một ngân hàng cũng giống như tiền gửi, lỗ thì họ cam kết trả lại, nên các nhà băng mua trái phiếu của nhau bởi thứ nhất là giảm rủi ro; thứ hai, họ cũng cần có một danh mục đầu tư, và trái phiếu ngân hàng cũng nằm trong danh mục đầu tư đó, để tạo ra tính thanh khoản, vì khi nào cần tiền thì họ mua trái phiếu của các ngân hàng, không cần tiền thì lại bán ra; chính vì thế mà các ngân hàng ráo riết mua trái phiếu của nhau", TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Bên cạnh đó, lý giải về vấn đề các ngân hàng tích cực mua bán chéo trái phiếu cho nhau, bên cạnh nhu cầu thực của một số ngân hàng thừa vốn, thì có sự thỏa thuận ngầm của một số nhà băng để giúp nhau hạ chi phí vốn, tăng nguồn vốn trung, dài hạn. Ông Hiếu cho rằng, khi ngân hàng phát hành trái phiếu trung và dài hạn có kỳ hạn dài, thì tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40%, tuy nhiên, chỉ còn mấy ngày nữa là đến 1/10, tỷ lệ đó sẽ xuống còn 37%, tức là nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư hoặc cho vay trung và dài hạn sẽ bị rút ngắn lại.
"Chính vì thế mà các ngân hàng cũng phát hành trái phiếu trung và dài hạn để tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn dồi dào hơn, đây là đòn bẩy mà các ngân hàng bán chéo để sử dụng nguồn vốn trung và dài hạn của các nhà băng khác và đáp ứng tỷ lệ sẽ kéo xuống 37% trong mấy ngày tới", ông Hiếu lý giải.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng, giải pháp này giúp các ngân hàng đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn, song cũng sẽ khiến bức tranh về quy mô vốn trung, dài hạn của một số tổ chức tín dụng trở nên thiếu thực chất, khiến vốn chảy lòng vòng trong hệ thống tài chính và đến tay nhà đầu tư cá nhân, chứ không đi vào sản xuất, kinh doanh.
"Thực ra, tất cả các nguồn vốn phải ở trên thị trường 1, tức là của người dân và các tổ chức kinh tế, còn thị trường mà các ngân hàng trao đổi giao dịch với nhau là thị trường 2. Dùng thị trường 2 để làm cho hoạt động trên thị trường 1 đúng với các tiêu chí thì thực sự chỉ là sự hỗ trợ mang tính hạch toán, mang tính "trang điểm”, chỉ trao đổi trong ngành ngân hàng với nhau, dĩ nhiên cũng có thể làm đẹp sổ sách, chứ không mang tính thực chất", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Không nên dùng trái phiếu để đảo nợ, gây rủi ro cho nền kinh tế
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp kinh doanh khó khăn sẽ phát hành trái phiếu, ngân hàng mua lại và doanh nghiệp dùng số tiền bán trái phiếu thu về để trả nợ ngân hàng. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.
"Với các nhà đầu tư, dĩ nhiên khi đầu tư cho trái phiếu ngân hàng trung và dài hạn thì các trái phiếu này tất nhiên là tốt, vì rủi ro thấp, tuy nhiên, tôi muốn cảnh báo các ngân hàng cũng như các khách hàng không nên dùng trái phiếu để đảo nợ vì trên nguyên tắc, các ngân hàng không thể dùng việc mua trái phiếu của một doanh nghiệp đã nợ mình để tái cơ cấu nợ, điều đó không hợp lệ", ông Hiếu nhận định
Lý giải cụ thể hơn, ông Hiếu cho rằng, chẳng hạn khi khách hàng vay ngân hàng, nhưng họ không có khả năng để trả nợ, thì họ sẽ là người phát hành trái phiếu và ngân hàng mua trái phiếu của họ, để họ dùng số tiền đó trả lại món nợ đang bị nợ xấu, tức là họ dùng cách phát hành trái phiếu như một hình thức đảo nợ xấu trở thành nợ tốt, bởi vì khi họ mua trái phiếu của doanh nghiệp, nợ đó được tính như tín dụng thông thường và nợ ấy lại là nợ tốt, trong khi nợ xấu thì bị xóa đi.
"Nó là một cái hiện tượng mà nhìn từ góc độ các doanh nghiệp, tôi khuyến cáo các doanh nghiệp không nên sử dụng những đòn bẩy như thế này để xóa đi nợ xấu của mình. Đồng thời, các ngân hàng cũng không tìm cách đảo nợ mà mua trái phiếu của doanh nghiệp để xóa nợ xấu của họ, làm như thế, hệ thống tài chính của đất nước sẽ rơi vào tình trạng có rất nhiều nợ xấu nhưng lại được xóa đi và được “trương” lên như nợ tốt, khiến cho nợ xấu bị hiểu sai lệch, làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế", TS. Hiếu phân tích.