Thứ trưởng Bộ Tài chính: Phấn đấu đưa thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP vào năm 2025
(DNTO) - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sẽ đưa thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trước năm 2025, theo đó mục tiêu đặt ra là quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030.
Hiện nay, quy mô thị trường chứng khoán gia tăng nhiều so với trước cũng như lượng vốn huy động của các doanh nghiệp ngày càng lớn, nhưng được đánh giá là chưa bền vững.
Theo các chuyên gia, hiện nay dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân, từ các doanh nghiệp tham gia nhiều vào thị trường chứng khoán, một phần do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hoạt động sản xuất bị đình trệ nên xuất hiện lượng tiền nhàn rỗi tạm thời.
Nhưng khi kinh tế phát triển trở lại thì có thể dòng tiền này lại rút ra đưa vào sản xuất. Khi đó, thị trường lại ảm đạm thì doanh nghiệp sẽ khó huy động vốn như nhiều giai đoạn trước đây. Hơn nữa, để đóng vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế thì hiện nay quy mô của thị trường trong nước vẫn còn khá rời rạc, khiêm tốn.
Chia sẻ về những cơ sở định hướng tương lai của thị trường chứng khoán phát triển trong tương lai 5 -10 năm tới, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, quan điểm của Bộ Tài chính là phát triển thị trường chứng khoán một cách đồng bộ, thống nhất, đảm bảo liên kết thị trường tài chính với thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, Bộ chú trọng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghệ thông tin, yêu cầu chuyển đổi số của nền kinh tế.
"Mục tiêu đề ra là thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, san sẻ và hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng. Phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030. Số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030. Cơ cấu nhà đầu tư bao gồm tổ chức, chuyên nghiệp, cá nhân và nhà đầu tư trong nước. ngoài nước phát triển theo chiều sâu", ông Chi cho hay.
Đặc biệt, một mục tiêu lớn đề ra cho thị trường chứng khoán là hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn của FTSE Russell và MSCI. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ chủ động hội nhập thị trường thế giới, trở thành 1 trong 4 thị trường lớn khu vực Asean.
Theo đó, để tổ chức thị trường một cách hiệu quả, thời gian tới, sẽ cơ cấu lại mô hình công ty mẹ - con; tổ chức lại trung tâm lưu ký chứng khoán theo mô hình tổng công ty, đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán.
Thị trường chứng khoán 10 năm tới cũng hướng đến việc nâng cao tính cạnh tranh, năng lực tài chính của thành viên (công ty chứng khoán, quỹ đầu tư…), thành lập và đưa vào tổ chức thực hiện dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nâng cao vai trò hiệp hội trong lĩnh vực chứng khoán.
Ngoài ra, để thúc đẩy thị trường phát triển nhanh, bền vững thì việc hoàn thiện cơ sở pháp lý là rất quan trọng. Đây là điểm tựa quan trọng cho sự đi lên của thị trường. Quốc hội đã ban hành Luật Chứng khoán năm 2019, giai đoạn 2020-2025 sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật, tập trung vào công tác tuyên truyền; xem xét hoàn thiện thêm khuôn khổ pháp lý phù hợp thị trường.
Đề cập đến giải pháp phát triển thị trường bền vững, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh yếu tố ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, các chủ thể yếu kém rủi ro cần chủ động giải pháp để đảm bảo cân đối vĩ mô bền vững.
"Chính sách tài khóa hỗ trợ cho các doanh nghiệp, bao gồm phí của thị trường chứng khoán và doanh nghiệp tham gia trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục được thực hiện năm 2022. Ngoài ra, nhiều giải pháp khác cũng cần được tập trung như tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường sự quản lý giám sát, giảm thiểu rủi ro; tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường", ông Chi nói.